HỌC TRÀ ĐẠO

Thứ tư - 09/10/2024 14:07
Trong những tháng ngày đó tôi đã học rất nhiều món khác nhau, trong đó có món Trà đạo.
Nguồn ảnh:Mariah Bourne
Nguồn ảnh:Mariah Bourne
Trong ký túc xá mà chúng tôi ở có một căn phòng rất khác thường. Đó là phòng được làm bằng gỗ và giấy. Bên trong phòng, ngay chính giữa nhà có một cây cột đứng, hầu như không sơn phết gì. Phía sau cây cột ấy là một hốc thụt sâu vào bên trong, thường được trang trí bằng những bức tranh thư pháp hay bình hoa. Bậc ở chỗ này cao hơn bình thường. Trong toàn bộ căn phòng trải chiếu chỉ có duy nhất chỗ này là được xây cao lên một bậc. Lần đầu tiên tham quan phòng, thầy cô đã dặn chúng tôi là các em bước khẽ thôi, không được bước trên nếp gấp giữa hai tấm chiếu, vì sẽ làm cho chiếu bị bong ra, không bền, cả một chiếc chiếu, phần ở bên rìa là dễ hỏng nhất. Tôi vâng vâng dạ dạ rồi nhìn quanh quất không thấy chỗ nào để ngồi được cả. Chợt thấy cái bậc được xây cao hơn hẳn thì xăm xăm đi tới. Cô giáo thấy vậy, dường như cô hiểu ngay âm mưu đen tối của tôi mà vội vã đưa tay kéo tôi ngay lại. Cô bảo: "Em cẩn thận nhé! Chỗ này là nơi thần linh ngự trị đấy! Chớ mà bước chân hay ngồi lên trên đấy em nhé!" Hú hồn, lũ ngoại quốc như chúng tôi mà không được hướng dẫn có lẽ đã làm những vị thần linh thiêng ngự trị nơi đây nổi giận mất. 

Đó cũng là những bài học đầu tiên tôi được biết thế nào là Trà thất, một căn phòng được xây chỉ dành riêng cho việc uống trà. Mà không phải gia đình nào cũng có. Chi phí dành cho một căn phòng như này khá đắt đỏ nên chỉ những gia đình có điều kiện mới trang bị cho mình mà cũng chỉ dùng cho vài lần uống trà trong năm. Từ trước khi sang đây du học, tôi đã từng rất mê mẩn tiểu thuyết "Ngàn cánh hạc" của nhà văn từng đạt giải Nobel văn chương Kawabata Yasunari. Tác phẩm đã đưa ông đến với giải thưởng văn chương danh giá có tên là Xứ tuyết mô tả về câu chuyện tình của một nhà văn và một cô kỹ nữ làm việc trong một lữ quán ở một vùng đất lạnh lẽo tuyết phủ quanh năm. Tôi thích văn chương của ông không phải bởi vì ngôn từ đẹp đẽ mà còn vì qua ngòi bút của ông tôi khám phá ra nhiều yếu tố văn hóa ở các vùng địa phương Nhật Bản nơi diễn ra câu chuyện. Chàng trai giàu có từ Tokyo đến vùng núi để nghỉ ba lần trong năm, và theo chân chàng, vẻ đẹp của thiên nhiên, ẩm thực, phong tục tập quán nơi đây dẫn dắt người đọc tham gia chuyến du hành cùng chàng. 

Nhưng mà hôm nay chúng tôi được học về Trà đạo cơ, không phải là câu chuyện của Xứ tuyết mà là câu chuyện của Ngàn cánh hạc. Ngàn cánh  hạc chính là những họa tiết trên chiếc khăn vải màu hồng được cô gái gói những bộ đồ trà, câu chuyện mô tả mối quan hệ của rất nhiều nhân vật mà nhiều góc khuất được hé lộ sau khi Trà sư nổi tiếng qua đời. Cho dù gần đây tác phẩm này được dịch lại một lần nữa và độc giả hiện đại quá chú tâm đến khía cạnh tình cảm và mối quan hệ giữa các nhân vật đa thế hệ trong câu chuyện. Thế nhưng, vào những năm tôi mười tám đôi mươi ấy, ấn tượng trong tôi về tác phẩm này thật là đẹp. Lần đầu tiên tôi mới biết là có nhiều loại chén uống trà đến như vậy, mỗi loại chén uống trà đều rất độc đáo và đáng giá bằng cả gia tài. Tôi cũng mê mẩn với cách người ta tổ chức những buổi tiệc trà công phu đến thế nào. Mà bạn biết không, trà và nghệ thuật trà không xuất phát từ đất nước này mà được du nhập vào từ Trung Quốc và thiền sư Sen no Rikyu đã sáng tạo ra phong cách uống trà độc đáo của riêng người Nhật rồi biến nó thành độc đáo cho đến bây giờ. Mà sáng tạo như thế nào ư? Sáng tạo từ nguyên liệu dùng để uống cho đến nơi uống trà, cho đến lễ nghi của những người uống trà. Tất cả đều được sáng tạo mới hoàn toàn khác với nơi mà nó đã bắt đầu. Bạn thấy thú vị hem?

Người ta phải bước qua một con đường sỏi đá quanh co, được bao phủ nhiều cây xanh mới tới được phòng uống trà còn được gọi là trà thất. Mà muốn bước được vào phòng phải cúi đầu khom lưng. Ngày xưa có võ sĩ thường mang theo kiếm, thế nên thiết kế này giúp họ phải bỏ hết đao kiếm ở bên ngoài cũng như bỏ hết mọi tạp niệm, sân si của thế giới trần tục để bước vào một thế giới khác. Bên trong trà thất là một thứ ánh sáng dịu nhẹ, trầm tối. một gian phòng rộng, với vật liệu gần với tự nhiên, những kệ gỗ so le, những chiếc cột còn nguyên chưa sơn phết. Trên vách và trên kệ thấp trang trí một bình hoa theo từng mùa. Đây cũng là môi trường để nghệ thuật hoa đạo được phát triển. Những bông hoa được lựa chọn kỹ lưỡng, tước bỏ hết toàn bộ những gì không cần thiết để những điều được giữ lại là tinh tế nhất, đẹp đẽ nhất. Trước buổi tiệc trà thường sẽ được phụ vụ một bữa ăn nhẹ để khách uống trà khỏi xót lòng. Nghệ thuật ẩm thực trong tiệc trà thế này cũng là một trong 4 phong cách ẩm thực đỉnh cao của Nhật Bản. Nguyên liệu, cách dùng, cách trang trí món ăn đều thật tinh tế, thể hiện sự thay đổi của bốn mùa. Ngay cả chọn vật dụng nào đựng thức ăn, để món ăn nào trong vật dụng nào cũng đều mang tính nghệ thuật và tinh tế, thậm chí cần phải tính toán để xem thức ăn được đặt trong loại đồ sứ phù hợp đó sẽ tương tác thế nào với ánh sáng của căn phòng để tạo hiệu ứng tốt nhất. 

Loại trà dùng để uống không phải là loại trà chúng ta thấy thông thường mà là loại bột trà xanh thật mịn, được đặt trong hộp sơn mài. Bột trà được trà sư khéo léo lấy ra khỏi hộp sơn mài từng muỗng nhỏ. Trà sư mặc áo kimono, ngồi trước lò nước đang sôi. Sau khi bỏ lượng trà xanh vừa đủ vào chén trà thì lấy một gáo bằng tre múc nước đang sôi rót một lượng vừa đủ vào chén, rồi dùng một loại đánh bông trà trong chén lên bằng tre. Lực đánh trà phải vừa mạnh và đều sao cho trà lên một lớp bọt trắng rồi nhấc ra khỏi chén trà. Sẽ có người mang chén trà đó đến đặt trước mặt thực khách, nhẹ nhàng quay 3 vòng sao cho những hoa văn đẹp nhất của chén trà quay về phía thực khách. Đến phần mình, thực khách sẽ nhìn ngắm chén trà hoa văn, cách tạo nên loại đồ gốm độc đáo, khen ngợi vẻ đẹp của chén trà rồi nhẹ nhàng xoay 3 vòng trước khi uống, sao cho khóe miệng mình không làm vấy bẩn lên hoa văn của chén trà. Mà khi uống cũng không uống ực một lần đâu, mà phải nhấp từ từ thành ba ngụm rồi nhẹ nhàng đặt chén trà về chỗ cũ. Cứ như thế lần lượt từng người sẽ được thưởng thức chén trà nóng hổi được pha chế cẩn thận từ những động tác khoan thai, dứt khoát nhưng đầy duyên dáng của trà sư. Cả một nghệ thuật, và cả một bộ sưu tập các dụng cụ cần thiết cho một buổi tiệc trà. Rồi bao hàm trong nghệ thuật trà đạo còn là nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật cắm hoa, nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật kiến trúc, vườn cảnh. Các bộ trang phục dành cho buổi uống trà cũng là các loại kimono được thiết kết đặc biệt và các loại dụng cụ kèm theo với giá trị kinh tế vô cùng cao đã khiến những khu vực sản xuất các loại đồ gốm hay chén uống trà này trở nên nổi tiếng với phong cách đặc trưng riêng không thể trộn lẫn. Mà để khác biệt hoàn toàn với vùng văn hóa gốc, Sen no Rikyu cũng đã đặt ra những tiêu chuẩn hoàn toàn trái ngược, trái với phong cách uống trà trong những bộ đồ kiểu cầu kỳ, ông quy định mọi người uống trong những loại đồ gốm sứ đặc trưng riêng của Nhật Bản với giá trị cao, nhằm tôn vinh giá trị riêng của làng nghề bản địa. Ông cũng không thích những lối đi quá gọn gàng tỉa tót, có một lần vào trong trà thất đi qua lối đi đã dọn lá sạch sẽ, ông đã sai rung lắc cây cho lá vàng rụng xuống. Ông bảo đó mới chính là vẻ đẹp thực sự của tự nhiên. 

Trà không chỉ là trà mà là một nghệ thuật giúp con người đi đến với một thế giới khác, xa lìa hẳn với thế giới ồn ào, xô bồ bên ngoài để rồi khi trở lại thực khách đã hoàn toàn thư giãn và trở thàn một con người tươi mới. Một buổi tiệc trà thường được chuẩn bị hết sức công phu và hết sức tốn kém mà không phải ai cũng có thể làm được, mà không chỉ thế để học và trở thành một trà sư cũng không phải là điều dễ dàng. Dẫu thế giới có bộn bề tranh đấu, dẫu cho thực khách trong thế giới bên ngoài có là vương hầu hay khanh tướng, thì bước vào trà thất tất cả mọi thứ đều bỏ lại phía sau lưng, mỗi một cuộc hội ngộ nơi đây đều trở thành những trải nghiệm duy nhất đáng giá cho toàn bộ cuộc đời họ. 

Vậy đó, hồi còn ở nhà là tôi đã được đọc và học như vậy đó nên sang đây thấy có lớp trà đạo là tôi hăng hái học liền. Tôi được đến học tại nhà một cô giáo nhưng thực tế lại khắc nghiệt hơn nhiều. Mấy tháng trời đằng đẵng mà chúng tôi được luyện tập từ việc đứng lên, ngồi xuống, đến việc đi trên chiếu tatami ra sao, bàn chân lướt nhẹ thế nào, lúc nào nhấc chân lên lúc nào đặt chân xuống. Rồi khi quỳ xuống sàn thì phải dùng tay vén tà áo kimono ra sao. Nói chung là nội chuyện đi đứng không là lũ chúng tôi miệt mài tập luyệt rất nhiều buổi mới thành thạo. Rồi mới tiến đến tiết mục gấp khăn. Đó là một chiếc khăn màu đỏ được dắt trên lưng áo kimono, chiếc khăn này chỉ đóng có mỗi một nhiệm vụ là lau trên nắp của chiếc hũ sơn mài đựng trà rồi sau đó lau cái thìa nhỏ bằng tre dùng để múc bột trà. Đó, chỉ đóng một vai nhỏ xíu trong toàn bộ quy trình thôi đó. Ấy vậy mà chúng tôi cũng phải mất mấy buổi để học gấp chiếc khăn làm sao, lau thế nào, từng động tác từng động tác phải chuẩn xác, tinh tế, nhẹ nhàng, đẹp đẽ v.v. mãi mà chưa đến tiết mục pha trà và uống trà, ăn bánh. Con đường học tập gian nan vậy đấy. 

Rồi cũng đến lúc tôi học được cách pha trà, đánh trà và thưởng thức vị trà hơi chát chát với một lớp bọt mịn phía bên trên và hiểu được những điều mà quyển sách Ngàn cánh hạc đã nói. Nhưng để có thể trở thành một trà sư thực thụ thì phải rất mất nhiều năm, nhiều thời gian công sức mới có thể làm được. 

Nhưng có lẽ điều khiến tôi mê mẩn hơn cả là cách người Nhật khẳng định vị trí của mình bằng trí thông mình, bằng trí tuệ, và phong cách văn hóa độc đáo của riêng mình. Trà không chỉ là trà mà còn bao hàm trong đó là cả vũ trụ và bằng nghệ thuật uống trà đã thúc đẩy rất nhiều ngành phụ trợ và văn hóa cùng phát triển. 

Đối với tôi đó mới chính là sự hấp dẫn thực sự của nghệ thuật trà Nhật Bản. 
Bạn xem thêm ở đây nhé: https://www.urasenke.or.jp/texte/

Chuyện phiêu lưu của tôi hôm nay dừng lại ở đây, ngày tới tôi sẽ kể bạn nghe một món ăn chơi khác mà tôi đã có dịp trải nghiệm. 










 


 

Tác giả bài viết: An Niệm

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://nguyenthuhuong.net hoặc chưa được sự đồng ý bằng bởi chủ sở hữu là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Nguyễn Thu Hương

Nguyên Phó Trưởng ban phát triển doanh nghiệp CLB Doanh nhân Khánh Hòa Sài Gòn.  Nguyên Phó Trưởng Khoa Nhật Bản học Trưởng phòng HTQT và phát triển Dự án quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Cố vấn...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây