TÔI LÀM CÔ GIÁO

Thứ năm - 07/11/2024 11:42
Phần lớn thời gìan ở đây tôi chú tâm vào việc học tập và thích nghi với cuộc sống xa nhà. Tuy nhiên, cũng có khi tôi oai hơn một chút. Được trở thành cô giáo. Để tôi kể bạn nghe kỷ niệm làm cô giáo của tôi nơi xứ lạ là thế nào nhé.
TÔI LÀM CÔ GIÁO
Tôi từ nhỏ đã là đứa rất chăm chỉ học tập rồi. Chả thế mà suốt ngày tôi được giao cho nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả đó là canh giữ sổ đầu bài. Hồi đó, cuốn sổ đầu bài có một uy lực ghê gớm lắm. Đứa nào chẳng may mà bị ghi tên vào sổ đầu bài kể như xong. Cứ đến cuối tháng rồi cuối học kỳ, cô giáo chỉ cần chiếu theo danh sách phong thần trong sổ đầu bài là bút phê xếp loại hạnh kiểm. Do tôi cẩn thận, lại hiền, nên cô giáo giao tôi giữ quyển sổ quyền lực ấy. Thế mà, có lần cũng vì vậy mà tôi phải khóc ngay tại lớp. 

Một ngày nọ, khi lên văn phòng mang sổ về lớp, tôi phát hiện quyển sổ thần thánh đó đã không cánh mà bay tự lúc nào. Mỗi ngày sau giờ học tôi nhận quyển sổ đầu bài rồi mang để vào phòng giáo viên, hôm sau lại từ phòng giáo viên mang sổ vào lớp cho thầy cô. Ấy vậy mà hôm nay tìm mãi mà không thấy đâu cả. Tôi hốt hoảng lục tung hết cả căn phòng mà không sao tìm thấy, đành đến báo với cô giáo. 

"Dạ thưa cô, em đã tìm hết cả mà không thấy sổ đầu bài lớp mình đâu ạ"
Cô giáo mắng "Trời ơi, đã giao nhiệm vụ giữ sổ cho em, mà tại sao em làm mất. Rồi bây giờ lấy cái gì đánh giá hạnh kiểm của các bạn đây? Lỗi của em, thành ra tháng này em chịu hạnh kiểm trung bình thay cho các bạn nhé!"

Thật là oan ơi là oan mà, khỏi phải nói là tôi buồn đến độ nào và tôi bật khóc luôn giữa lớp. Vì hồi đó chúng tôi phấn đấu để giữ thành tích học tập và hạnh kiểm ghê lắm. Bị phê từ hạnh kiểm tốt xuống hạnh kiểm khá là một điều gì đó vô cùng kinh khủng. Vậy mà tôi lại bị vì một tội mà hông thể nào kiểm soát được. 

Cả lớp im phăng phắc, không đứa nào nói gì, để mặc tôi bị oan ức, nước mắt ngắn, nước mắt dài.

Mãi sau này, phải rất nhiều năm sau ngày gặp lại lũ con trai quậy nhất lớp mới khai báo là đang giữ quyển sổ đầu bài năm nào ở nhà. Chúng bị ghi tên trong sổ nhiều nhất, vậy nên đã rắp tâm đột nhập văn phòng và lấy trộm quyển sổ, mặc tôi oan ức khóc tức tưởi. Thế đấy bạn ạ. Làm chức sắc được thầy cô tin cậy cũng không sướng ích gì đâu, khi mà bạn ở cùng lũ bạn tinh nghịch như lũ bạn cùng lớp tôi ngày ấy. Hết bị dấu dép, lại bị trộm sổ đầu bài, lại bị cô phạt đứng gốc cây vì những lỗi lầm từ trên trời rơi xuống vậy đấy các bạn. Bởi chính sách của trường tôi là hòa nhập, trộn lẫn nhóm trẻ ngoan với nhóm trẻ quậy. Thành ra lũ chúng tôi cũng có một tuổi thơ dữ dội không kém ai là vì vậy. 

Rồi lên cấp III tôi cũng ngồi kế bạn quậy nhất lớp, cũng làm lớp phó học tập. Còn giờ qua đây, tôi được làm em nhỏ ngoan hiền của rất nhiều anh chị. Mỗi ngày tôi vui vẻ trải nghiệm cuộc sống mới của một cô bé tự lập, cái gì đối với tôi cũng mới mẻ, lần đầu tiên tôi được làm tất cả mọi thứ một mình. Lần đầu tiên tôi học cách sống chung với những người khác biệt mình, mới trải nghiệm cuộc sống mình không còn là con cưng hay ngôi sao như khi ở nhà. Đối với tôi, trải nghiệm nào cũng hết sức mới mẻ và thú vị. 

Cho đến khi tôi đi chợ với chị Lan và anh U. Anh U là người Nhật, bạn rất thân của chị Lan. Tôi chưa thấy anh nào hiền ơi là hiền mà tốt ơi là tốt như anh ấy. Anh quý Việt Nam lắm! Anh làm đề tài nghiên cứu giáo dục Việt Nam. Biết chúng tôi sang không biết đi xe hơi xe máy gì, nên cứ đến cuối tuần là anh lại lái xe sang. Anh chở mấy chị em đến siêu thị gần nhà để mua sắm cho nguyên một tuần. Mà anh bận ơi là bận. 

Sinh viên ở đây, họ không phải được bố mẹ lo cho từ đầu đến chân như ở bên mình mà để trang trải việc học tập xa nhà mọi người đi làm thêm rất nhiều. Anh U cũng vậy. Gia đình rất đông anh chị em nên anh U cũng phải đi làm thêm, ấy vậy mà không quên nhiệm vụ mỗi tuần chở chị em chúng tôi đi siêu thị. Tôi hay say xe, mà đường từ nhà đến siêu thị lại đi qua con đường núi tối đen và ngoằn nghèo nên anh chị hay cho tôi ngồi trước, ngay cạnh anh U. Anh bảo, em nói chuyện gì đi, anh buồn ngủ quá, em mà không nói là anh ngủ gật đấy. 

Thế là, tôi hoảng quá, suốt một đoạn đường đi 20 phút lái xe, tôi phải nghĩ đủ trò nói chuyện luyên thuyên để anh khỏi ngủ. Anh đang học tiếng Việt với chị Lan, nên tôi mở luôn một lớp tiếng Việt cấp tốc trên xe hơi. Tôi hỏi:

"Cái này là cái gì?" vừa hỏi vừa chỉ vào kiếng hậu
"Kin" anh U trả lời.
"Không phải là Kin mà là Kiếng"
"Kiên"
"Không phải Kiên, Kiếng"

Cứ thế, anh U vừa tập trung lái xe, vừa phải cố gắng phát âm cho thật đúng những từ mà tôi chỉ. Bởi trong ngôn ngữ của anh rất khó phân biệt sự khác nhau giữa các dấu, phân biệt độ cao thấp dài ngắn với anh quả là một cực hình. Tôi thì cứ chỉ hết cái này đến cái kia dọc đường để anh thực hành. Cứ thế, anh lọt vào tay cô giáo Hương là tôi và chặng đường đi về của anh chị em tôi là những giờ thực hành tiếng Việt. Mãi từ khi qua đây tới giờ tôi mới được đóng vai cô giáo quyền lực trong chốc lát như thế. 

Hổng biết phương pháp có hiệu quả hem mà có hôm sau khi mua sắm xong và mang hết hành lý vào nhà, quay trở ra đã thấy anh ngồi ôm gốc cột mà ngủ gục tự lúc nào. Thế mới thấy, đã vất vả đi làm thêm, còn bị cô em tra tấn bởi món học tiếng Việt nó lao lực cỡ nào. He he....

Mà cái sự nghiệp làm cô giáo của tôi chưa dừng lại ở đó. Một chị khác là chị Mai cũng là người Việt Nam ở cùng ký túc với chúng tôi không hiểu tín nhiệm thế nào mà giao ngay lớp dạy tiếng Anh mẫu giáo chị đang dạy lại cho tôi. Chị bảo chị bận, em dạy thay chị nhé!

Thế là tôi vận dụng hết toàn bộ công lực soạn bài dạy tiếng Anh cho đối tượng thiếu nhi. Tôi làm những thẻ từ đủ các màu sắc, nội dung để dạy cho các em rồi đi một đoạn thật xa để đến trường mẫu giáo. Phòng học nhỏ xinh, trang trí xinh xắn. Ngoài lớp học trồng rất nhiều hoa và trong phòng học thật nhiều đồ chơi, màu sắc. Các bạn học sinh thì dễ thương kinh khủng. Cô bé cậu bé nào cũng hết sức đáng yêu. Chỉ có điều chúng chẳng để cô giáo Hương được hoàn thành giáo án như đã định. Cô giáo vừa mới giở xấp từ vựng ra dạy được vài chữ thì bỗng một cậu bé nhào tới sờ tay vào vớ chân của tôi rồi kéo ra làm tôi hoảng hồn.

Cậu nói: '"Cái này là thật hả cô, vớ hả cô? Sao cô giống mẹ con quá vậy"
Thế là cô giáo tôi đang say sưa dạy hoảng hồn dừng lại: "Đúng rồi đó, vớ đó, có xinh không nào? Có giống mẹ của bé không nào". Làm cô giáo đôi khi có những pha xử lý ngoài giáo án như vậy đấy. 

Một lần khác một cậu bé bưng quần chạy lại: 
"Cô ơi cho con đi oshikko" 
Tôi lại đớ người ra lần nữa. Số là tôi học ở trường toàn lời hay ý đẹp và ngôn ngữ chuẩn chỉnh, tôi hông hề biết những từ như thế này (oshikko là đi vệ sinh)

Học trò thì đã khẩn thiết lắm rồi, hối hả, căng thẳng lắm rồi mà cô giáo thì còn cố nặn óc ra xem từ đó có nghĩa là gì. 
Cả lớp học cũng xôn xao, lo lắng cho bạn mình, vì cô giáo ngoại quốc này rõ là không hiểu chuyện, vì cô chưa hề xử lý như các cô giáo thông thường khác. 

Cậu học trò lại hối hả giục cô giáo. 
"Oshikko, Oshikko"
Còn cô giáo là tôi thì vẫn ngơ ngẩn.

Trong lúc đó thì một vị thiên thần cứu tinh xuất hiện. 
"Cô ơi, oshikko là đi vệ sinh đó cô!"
Đến lúc này thì cô giáo mới hiểu được tình hình, vội vàng đưa cậu học trò nhỏ đến nhà vệ sinh được bố trí ngay trong lớp học. 

He he....Sau đó rồi thì lớp học cũng ổn định ngồi ngay ngắn, mắt chữ O mồm chữ A nghe và lặp lại những từ ngữ tiếng Anh theo cô giáo. 
Đấy kỷ niệm làm cô giáo dạy tiếng Anh của tôi là như thế đấy. 

Cô giáo đi dạy tiếng Anh, nhưng cuối cùng lại được chính những cô cậu học trò hồn nhiên nhắc nhở về sự khác biệt của độ tuổi mầm non trong việc học tập và lĩnh hội tri thức, về những điều bên ngoài giáo án. 

Mặc dù ngay từ những năm thứ nhất khi vào đại học, tôi đã đi dạy kèm toán rồi tiếng Anh, tiếng Nhật cho các bạn và anh chị ở Việt Nam, nhưng ngày làm cô giáo dạy tiếng Anh với những học sinh đặc biệt nơi đây đã trở thành những kỷ niệm không bao giờ tôi quên. 

Trong suốt hành trình của cuộc đời mình, tôi đã gặp gỡ hàng ngàn sinh viên, có những bạn có hoàn cảnh hết sức đặc biệt nhưng tôi vẫn luôn dịu dàng, kiên nhẫn và chờ đợi điều kỳ diệu mà giáo dục mang lại cho các em. Biến các em trở thành phiên bản đẹp đẽ hơn của chính mình, sống một cuộc đời hạnh phúc viên mãn, thành công. Mặc dù có đôi khi phải đánh đổi bằng sứt mẻ trong trái tim mình, vì học trò vốn dĩ hồn nhiên và có thể sẽ đi qua mà chưa bao giờ nhìn lại. 

Nhưng cô giáo thì vẫn ở đó mỉm cười nhìn chúng trưởng thành, lập gia đình, sinh con. 
Lấy niềm hạnh phúc của nghề nghiệp làm niềm hạnh phúc của mình. Vậy nên, hạnh phúc của người giáo viên là nhân lên hàng ngàn lần đó nha. Vì tôi biết là thầy cô giáo hạnh phúc bình an sẽ giúp thay đổi rất nhiều cuộc đời của một đứa trẻ mà thầy cô ấy đã từng tiếp xúc. Tình yêu thương vô điều kiện và lòng từ bi đôi khi có phần nghiêm khắc sẽ giúp một đứa trẻ, hay cả người trưởng thành thay đổi rất nhiều. 

Vậy nên dẫu thế giới thay đổi thế nào, tôi vẫn sẽ là tôi, một cô giáo với rất nhiều tình yêu thương, cho dù đó là cậu học sinh cá biệt nhất, làm cô giáo tổn thương nhiều nhất. Nhưng tôi biết những cô cậu bé ấy cũng mang đầy những vết thương. Có em thì mồ côi cha chỉ sống với mẹ, có em thì bị người đời ném vào mình muôn ngàn những lời mỉa mai, có em thì mặc cảm, tự ti bởi những khiếm khuyết. Đến nỗi, điều em có thể làm được chỉ là làm tổn thương người khác i như cách mà em đã từng bị đối xử. 

Vậy nên, thầy cô giáo từ bi, dịu dàng và luôn nhiều tình yêu thương sẽ giúp em hiểu được là yêu thương một người vô điều kiện là như thế nào, và chỉ với việc mang lại tình yêu thương và chữa lành những nỗi đau sâu thẳm trong tâm hồn em mới thực sự có hạnh phúc. Càng mang lại nhiều hạnh phúc cho nhiều người, thế giới của em lại càng rộng mở, thênh thang. 

Còn cô giáo thì lặng lẽ nơi đó và mỉm cười. 
Thương em. 


 

Tác giả bài viết: An Niệm

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://nguyenthuhuong.net hoặc chưa được sự đồng ý bằng bởi chủ sở hữu là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Nguyễn Thu Hương

Nguyên Phó Trưởng ban phát triển doanh nghiệp CLB Doanh nhân Khánh Hòa Sài Gòn.  Nguyên Phó Trưởng Khoa Nhật Bản học Trưởng phòng HTQT và phát triển Dự án quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Cố vấn...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây