Tôi là con gái duy nhất trong gia đình, sinh ra ở Hà Nội, quê ở Khánh Hòa và lớn lên ở thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến lúc 5 tuổi tôi còn sống ở Hà Nội cùng ba mẹ, nhà tôi ngay nơi vườn hoa, hồi còn bé tôi hay ra vườn hoa chơi cùng lũ bạn hàng xóm. Làng hoa Nghi Tàm, cứ mỗi mùa tết đến, những người trồng hoa trồng đủ loại hoa chuẩn bị cho cư dân Hà Nội trưng bày vào dịp Tết. Có lúc nghịch ngợm chúng tôi còn ngắt nụ hoa đồng tiền làm đồ hàng để rồi bị phạt. Lũ chúng tôi còn leo trèo nghịch ngợm trên bờ đê khiến mẹ tôi mấy phen mất hồn, vì qua khỏi bờ đê là đến con đường lớn, ngay trước khách sạn Thắng Lợi. Ngày còn bé, tôi mũm mĩm xinh xắn, mắt tròn to lại đen, tóc thì xoăn tít nên các anh chị tôi mỗi lần ba mẹ tôi đưa đến nhà chơi lại gọi tôi là "Búp bê Sài Gòn" rồi bế tôi để ngay lên trên tủ. Chả là ba tôi là người Khánh Hòa, nhưng từ 9 tuổi đã tập kết ra Bắc rồi đi nước ngoài học tập, kết hôn với mẹ rồi sinh tôi ở Hà Nội.
Những năm tháng sau chiến tranh, cuộc sống gia đình nào cũng đầy khó khăn, gian khổ, cuộc sống thiếu thốn đủ bề nhưng vui vẻ hạnh phúc.
Ba tôi hầu hết thời gian là sinh hoạt học tập ở nước. ngoài nên ba tôi cũng nuôi dạy tôi theo kiểu phương Tây, hầu hết mọi việc trong nhà tôi không phải làm bất cứ điều gì, ngoại trừ việc ba huấn luyện tôi biết sửa điện, biết dọn dẹp trang trí nhà cửa, biết sống tự lập và không sợ hãi bất cứ điều gì. Những việc nữ công gia chánh trong nhà đã có mẹ tôi đảm nhiệm. Mãi sau này khi đi du học, tôi mới lần đầu tiên tự mình làm hết thảy mọi việc. Và nhất là sau khi kết hôn. Gia đình chồng tôi là một gia đình mà tất cả các chị đều giỏi, nấu ăn cực ngon và đảm đang, xinh đẹp. Một gia đình miền Tây Nam Bộ nhưng vô cùng truyền thống, Từ việc chọn trái cây thế nào, bày mâm ngũ quả ra sao, cắm bao nhiêu bông hoa trên bình hoa, đám giỗ bao nhiêu món, đãi cho bao nhiêu khách, nấu những món ăn gì, Chuẩn bị trước trong và sau đám giỗ ra sao, giao tiếp ứng xử với họ hàng xung quanh thế nào v.v. mỗi thành viên trong gia đình một năm mấy lượt đều tập trung và thực hành đầy đủ. Vậy nên trong suốt nhiều năm tôi đã trải nghiệm hết mọi nghi lễ từ thanh minh, tảo mộ đến giỗ chạp của một gia đình Nam Bộ truyền thống. Vậy nên tôi đã trải nghiệm văn hóa của cả ba miền Việt Nam, miền Bắc của mẹ, miền Trung của ba và miền Nam của gia đình chồng tôi.
Những điều đó cứ trôi qua một cách êm đềm, cho đến một ngày, thầy giáo tôi bảo "Em có biết là em thừa hưởng dòng máu của tổ tiên không, em hãy trân trọng những điều mình đang có, vì trong máu của em có cả những điều mà tổ tiên trao truyền lại đấy!" Mà đó lại là một Thầy người Nhật. Kể từ giờ phút đó, tôi luôn đặt trong mình một câu hỏi "Tổ tiên của tôi là ai? Họ đã sống như thế nào? Họ đã có những tính cách gì, và hiện trong tôi, bao nhiêu phần trăm tính cách đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ?"
Ba tôi kể, ông nôi tôi ngày xưa làm bưu điện rồi sau đó về quê làm nông nghiệp, bà nội ở Bà Rịa Vũng Tàu, học tiếng Pháp nữa, rồi sau theo chồng về quê. Ba tôi cũng chỉ nói đến đó, vì ba tôi vốn 9 tuổi đã thoát ly gia đình đi tập kết, khi đó ba tôi vẫn còn là một cậu bé.
Đến khi tôi tham gia vào giám khảo chương trình Quốc Tộc Thương Nhân và ngày 6/1/2024 thì đó là lần đầu tiên tôi ý thức được về giá trị của dòng họ mà tôi đang mang. Dòng họ Nguyễn của 9 chúa và 13 đời Vua. Và đúng 1 năm 1/12/2024 tôi tìm ra được 19 đời của dòng họ nhà mình và biết được các ông của tôi đã làm gì. Mọi chuyện thật là kỳ diệu và chúng tôi vẫn đang trên hành trình kiểm tra và thu thập tư liệu. Nhưng hành trình 1 năm chúng tôi đã đi qua đã giúp chúng tôi mở ra nhiều điều thú vị về chính dòng họ gia đình mình.
Mong có dịp sẽ chia sẻ cho mọi người về con đường mà chúng tôi đã đi qua.
16.02.2025