ĐI TÌM HƯƠNG KỲ NAM DƯỚI TRIỀU NGUYỄN

Thứ năm - 23/05/2024 18:28
Trên dải đất hình chữ S, Khánh Hòa nổi tiếng với 2 sản vật là yến sào và kỳ nam. Nếu như yến sào được sản sinh từ “biển bạc” thì kỳ nam lại được thiên nhiên ban tặng nơi “rừng vàng”. Kỳ nam được kết tinh từ cây dó giữa rừng sâu ở nhiều vùng miền trên đất nước, nhưng thời xa xưa chỉ có Khánh Hòa là nơi kết tụ loại sản vật quý hiếm này nhiều nhất và tốt nhất cả nước. Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới còn lưu giữ nhiều bản khắc ghi về sản vật kỳ nam của vùng đất Khánh Hòa xưa.
Kỳ Nam
Kỳ Nam

Trên dải đất hình chữ S, Khánh Hòa nổi tiếng với 2 sản vật là yến sào và kỳ nam. Nếu như yến sào được sản sinh từ “biển bạc” thì kỳ nam lại được thiên nhiên ban tặng nơi “rừng vàng”. Kỳ nam được kết tinh từ cây dó giữa rừng sâu ở nhiều vùng miền trên đất nước, nhưng thời xa xưa chỉ có Khánh Hòa là nơi kết tụ loại sản vật quý hiếm này nhiều nhất và tốt nhất cả nước. Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới còn lưu giữ nhiều bản khắc ghi về sản vật kỳ nam của vùng đất Khánh Hòa xưa.

Kỳ nam có nhiều ở rừng Việt Nam, nhưng chỉ có kỳ nam ở rừng núi Khánh Hoà thì không đâu bì kịp. Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 11, mặt khắc 29 còn ghi lại thổ sản ở tỉnh Khánh Hòa rằng: “Kỳ nam: Sản ở sơn man. Dân xã An Thành huyện Tân Định, hằng năm đi kiếm để nạp, năm nào không có kỳ nam phải nộp thay bằng trầm hương. Xét sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn: Kỳ nam sản xuất từ đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh là hạng tốt nhất, sản xuất từ Phú Yên và Quy Nhơn là thứ nhì…”.

Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 11, mặt khắc 29 ghi về thổ sản kỳ nam ở hai phủ Bình Khang và Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa là hạng tốt nhất cả nước

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

 

Cây dó chính là loại cây tạo ra kỳ nam và trầm hương. Cũng theo Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 11, mặt khắc 29 thì “Hương ấy là do lõi cây gió kết thành. Gió có 3 loại: gió lưỡi trâu thì thành khổ trầm, gió niệt thì thành trầm hương, gió bầu thì thành kỳ nam. Người ta thấy cây già lá vàng mà nhỏ, thân cây nổi nhiều u bướu, thì biết ngay là cây có hương, chặt bổ để lấy”. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục cũng cho biết cách phân biệt giá trị của trầm hương và kỳ nam: “Trầm hương thì cứng, nặng, ít thơm, sắc nhạt, vị đắng; kỳ nam thì mềm, nhẹ, có hơi dầu, thơm mát, vị gồm đủ cay, chua, ngọt, đắng; đốt trầm hương thì khói hết xoáy rồi sau mới tan, đốt kỳ nam thì hơi khói lên thẳng mà dài…”.

Với nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe, dưới triều Nguyễn, kỳ nam Khánh Hòa là sản vật địa phương không thể thiếu khi cung tiến lên vua. Đây là loại thảo mộc quý hiếm mà các vua Nguyễn dùng để sử dụng, làm quà tặng ngoại giao cho các nước, ban cấp cho các công thần có công với triều đình. Có thể kể đến là vào năm Ất Mão (1795), chúa Nguyễn Ánh đã: “Sai Bảo hộ quản Hậu thủy dinh là Nguyễn Văn Nhàn vâng mệnh sang sứ Xiêm báo tin thắng trận. Tặng Phật vương 2 cành hoa vàng hoa bạc, 10 lạng kỳ nam, sáp ong, đường cát đều 500 cân; cho vua thứ hai 2 cành hoa vàng hoa bạc, sáp ong, đường cát đều 500 cân”. Hay như năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mạng đã ban kỳ nam cho Thượng thư bộ Hộ là Nguyễn Hữu Thận khi ông bị ốm. Năm Kỷ Tỵ (1869), vua Tự Đức ban kỳ nam cho Nguyễn Tri Phương nhân ngày sinh nhật 70 tuổi…

Với nhiều công dụng như vậy, nên ngay từ thời Gia Long, nhà vua đã cho lập đội quân ở Khánh Hòa để lấy kỳ nam, Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 11, mặt khắc 29 ghi rằng: “Hồi đầu bản triều đặt đội An Sơn, hằng năm vào tháng 2 thì đi tìm kiếm, tháng 6 trở về, được nhiều ít không nhất định”. Đối với các đội quân và những cá nhân đi lấy kỳ nam về cống nạp, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn luôn ưu đãi và được miễn lao dịch. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 48, mặt khắc 4 ghi việc người dân xã An Thành được miễn lao dịch vào năm Giáp Tuất (1814) như sau: “Dân xã An Thành, trấn Bình Hòa đi tìm hái hương kỳ nam được bao nhiêu nộp, miễn cho sưu dịch, nếu tìm kiếm kỳ nam không được thì mỗi người nộp thay trầm hương hạng tốt 8 lạng”. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 48, mặt khắc 9 cũng ghi rằng: “Miễn dao dịch cho 11 người dân xã An Thành trấn Bình Hòa, sai hằng năm đi lấy kỳ nam về nộp, nếu không có thì nộp thay trầm hương mỗi người 8 lạng”.

 

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 48, mặt khắc 9 ghi về việc vua Gia Long miễn sưu dịch cho người dân xã An Thành, trấn Bình Hòa khi tìm hái hương kỳ nam

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Đặc biệt, vua Gia Long cũng cấm thuyền buôn nước ngoài mua kỳ nam, vào năm Quý Hợi (1803), vua đã ban hành điều lệ rất rõ ràng rằng: “Phàm thuyền buôn nước ngoài đến buôn, thì trầm hương, kỳ nam đều không được mua. Như có mua cột buồm và bánh lái thì phải do quan sở tại phê chuẩn mới được. Khi thuyền trở về, mua gạo để ăn, mỗi người được đóng 100 thưng làm hạn. Làm trái thì bị tội”.

Dưới triều vua Minh Mạng, vua cũng khuyến khích người dân Bình Hòa đi lấy kỳ nam. Tuy nhiên, vua có quy định là nếu lấy được kỳ nam thì phải đem nộp hết để tính trừ vào thuế, nếu giấu đi hoặc bớt thì bị tội. Năm Đinh Dậu (1837), cây kỳ nam đã được vua cho khắc lên cửu đỉnh, đặt trước Thế Miếu, trong Hoàng Thành. Cây Kỳ nam được khắc trên Nhân đỉnh với dòng ghi chú: “cây ở vùng rừng Khánh Hoà, ruột lõi rất thơm”. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 177, mặt khắc 29 ghi về việc này rằng: “Nhân đỉnh, khắc các hình: Mặt Trăng, biển Nam, núi Ngự Bình, sông Hương, sông Phổ Lợi, chim công, con báo, con đồi mồi, con cá voi, hoa sen, quả nam trân, hạt thóc nếp, cây kỳ nam, cây ngô đồng, cây hẹ, thuyền nhỏ, súng luân xa”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 177, mặt khắc 29 ghi việc vua Minh Mạng cho khắc hình tượng cây kỳ nam vào Nhân đỉnh (thuộc Cửu đỉnh) đặt trước Thế Miếu

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Tuy nhiên, việc đi lấy kỳ nam là vô cùng gian khó và đầy hiểm nguy. Ðã có không ít người dân Khánh Hòa xưa đã phải gửi lại nắm xương tàn trong rừng sâu, núi thẳm, bởi bệnh tật, thú dữ và vô vàn những rủi ro, bất trắc. Trước hoàn cảnh đó, vị vua thứ 4 của triều Nguyễn đã ban dụ khẩn cấp cho tỉnh Khánh Hòa, Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 51, mặt khắc 18 ghi rằng: “Tha thuế kỳ nam cho tỉnh Khánh Hòa. Trước đấy, bọn Nguyễn Hàm Anh mộ dân lưu tán (50 tên) dồn làm một hộ đi lấy kỳ nam, đồng niên nộp thuế (mỗi tên nộp 3 lạng) không đủ, theo giá nộp tiền 35 (giá Nhà nước mỗi lạng 13 quan) chưa được 1 năm, Hàm Anh chết, dân mộ trốn đi, quan tỉnh xin tịch biên gia sản để thu cho đủ. Vua bảo rằng: Gia ơn tạm tha cho, ngõ hầu không khổ dân”.

 
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 51, mặt khắc 18 ghi việc vua Tự Đức tha thuế kỳ nam cho người dân tỉnh Khánh Hòa, năm Giáp Tuất (1874)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Có thể nói, không chỉ bây giờ, sản vật kỳ nam ở tỉnh Khánh Hòa mới được nhiều người biết đến khai thác và sử dụng mà cách đây hàng trăm năm trước, nhiều làng xã ở nơi đây đã quanh năm len lỏi khắp núi cao, rừng thẳm để tìm kiếm hương kỳ nam cống nạp cho Vương triều./.

Cao Quang

……………………………….

 

Tài liệu tham khảo

1. Hồ sơ H20/12, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H21/49, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H22/178, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4. Hồ sơ H24/52, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.


 

Nguồn tin: mocban.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Giới thiệu về Nguyễn Thu Hương

Nguyên Phó Trưởng ban phát triển doanh nghiệp CLB Doanh nhân Khánh Hòa Sài Gòn.  Nguyên Phó Trưởng Khoa Nhật Bản học Trưởng phòng HTQT và phát triển Dự án quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Cố vấn...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây