Như đã hứa, hôm nay mình sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện về hoa quả miền nhiệt đới.
Lúc tụi mình còn ở nhà, tụi mình có rất nhiều bạn người Nhật. Đó là anh J, anh O và anh S. Anh J là người vô cùng chỉn chu và đạo mạo, anh học chuyên ngành kinh doanh. Anh O và anh S là bạn của anh J. Anh J sau này có bạn gái người Việt và chuyên kinh doanh về hàng may mặc rồi nhà hàng. Anh S sau này trở thành giám đốc ngân hàng còn anh O thì sống tại Nhật Bản lâu lâu mới sang Việt Nam chơi. Chúng tôi thân với nhau lắm, các anh thì chỉ bọn tôi học tiếng Nhật còn bọn tôi lại chỉ anh học tiếng Việt. Ngày Tết chúng tôi cho các anh đi tham quan hết mọi nhà của từng đứa trong nhóm, cho các anh biết phong tục tập quán của người Việt là thế nào. Ngày tôi đi sang bên này học anh J cũng có cùng các bạn ra sân bay tiễn nữa.
Lại kể chuyện về anh O. Anh là một người khá là đẹp trai, có thể nói là đẹp trai nhất trong ba anh. Anh người dong dỏng cao, tóc giống Maika, còn má thì có lúm đồng tiền. Anh sang du lịch cùng cô em gái. Chúng tôi không biết là anh con nhà ai, học hành cái chi mà chỉ thấy lúc anh sang Việt Nam du lịch thì anh mặc đúng có một cái quần jean và một cái áo thun màu trắng. Còn nhớ khi đó mấy đứa con gái thành phố chúng tôi cứ thắc mắc hoài. "Trời ơi, anh này ảnh đẹp trai vậy mà sao tao thấy suốt thời gian du lịch ảnh mặc có đúng một cái quần jean vậy. Hay là ảnh không có giặt được, hay ảnh là con nhà nghèo, không có quần? He he... Đẹp trai vậy mà bụi bặm quá luôn". Ấn tượng của chúng tôi về anh lúc đó chỉ có vỏn vẹn như vậy thôi mà chúng tôi đâu biết rằng các bạn Nhật sẽ mặc trang phục phù hợp với nơi mà các bạn đó tới. Cũng anh chàng quần jean áo thun bụi bặm đó mà đến giờ đi phỏng vấn xin việc sẽ chỉn chu trong đôi giày bóng loáng, cổ thắt cà vạt, mặc vest đàng hoàng. Các bạn ấy đã được dạy là ăn mặc phải phù hợp với nơi mà mình đến, với thời điểm nào trong năm cũng như đó là dịp nào. Và mãi sau này chúng tôi mới biết anh O là con trai của một gia đình nhiều đời làm kinh doanh và nay thì anh O đang làm giám đốc của công ty chuyên cung cấp thiết bị y tế với hàng ngàn nhân viên.
Rồi hổng hiểu là lúc đó chúng tôi đã làm gì nữa mà đến khi chúng tôi qua bên này du học thì đột nhiên nhận được liên lạc từ..... em gái của anh ấy. Em gái anh ấy bảo: "Em sắp đi với mẹ qua du lịch chỗ chị, các chị đón tiếp tụi em nha! Lần đầu tiên em và mẹ mới đi du lịch qua đó!" Vậy là hai đứa chúng tôi trở thành hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ.
Bạn biết không Nhật Bản là xứ sở hoa anh đào, vậy nên hoa quả miền nhiệt đới đối với họ rất là hiếm và quý. Ngày xưa lúc chúng tôi học tiếng Nhật còn có câu chuyện người anh phải đi làm thêm rất vất vả trong nhiều ngày đế kiếm tiền mua chuối cho em trai đang ốm. Cậu em này chỉ có một mơ ước là được ăn chuối thôi, nhưng đến khi người anh đủ tiền mua chuối cho em thì cậu em đã không còn nữa. Kể từ đó anh này trở nên ghét chuối. Nội dung bài đọc là như vậy đấy, để thấy là chuối, một thứ rất là bình thường ở xứ ta đã từng có lúc là một món quà vô cùng quý giá đối với họ.
Vùng chúng tôi ở là vùng ấm nhất trên đất nước này, nhiệt độ ngay cả vào mùa đông cũng không khác với Hà Nội là mấy, thức ăn cũng khá tương đồng, thậm chí còn có cả khổ qua nữa. Chúng tôi không gặp khó khăn gì để thích nghi với nhiệt độ và thời tiết. Duy chỉ có hoa quả miền nhiệt đới cũng rất hiếm và quý. Vậy mà vùng của chúng tôi ở có một khu vườn nhiệt đới, trồng rất nhiều thơm và xoài. Đây là hai giống thời điểm đó không thể trồng ở Nhật mà phải nhập từ nước ngoài, vậy mà lại có ngay trong khu công viên ờ gần trường của chúng tôi, thế là chúng tôi quyết định sẽ đưa em gái anh O và mẹ anh ấy đi tham quan khu vực này và một số di tích lịch sử đặc trưng trong vùng.
Khu công viên lấy chủ đề là quả thơm, giữa khu dựng một hình trái thơm vàng tươi, bên cạnh khu vực nhà kính ươm trồng các loại hoa quả miền nhiệt đới mà chủ yếu là thơm và xoài, bên cạnh đó còn là khu trải nghiệm các sản phẩm được làm từ hai loại trái cây này và có rất nhiều các loài hoa rực rỡ. Du khách có thể ngồi lên những phương tiện chuyên chở cũng có hình trái thơm để đi tham quan toàn khu vực. Nơi đây chính là nơi trồng và cung cấp thơm lớn nhất Nhật Bản. Sau khi vào khu vực nhà kính để tham quan, du khách có thể thưởng thức các loại thơm sấy, kẹo thơm, bánh thơm và các loại rượu. Ngoài rượu thơm nơi này còn có rất nhiều các loại rượu và đồ uống khác của địa phương mà du khách có thể mua và trải nghiệm.
Cũng nhờ có em gái anh O và mẹ anh ấy, chúng tôi mới có dịp để trải nghiệm một nơi thú vị đến thế. Em gái anh O rất giống mẹ, da trắng, tóc dài và mượt và rất hiền. Sau chuyến đi em trờ về lại quê nhà và không quên gửi tặng chúng tôi bộ đồ chơi búp bê cho các cô gái nhân dịp ngày 3/3 và bảo chuyến đi đó mãi mãi là kỷ niệm mà em và mẹ không thể nào quên.
Chúng tôi sau chuyến trở thành hướng dẫn viên du lịch lại trở về với cuộc đời du học sinh với chị Lan. Một hôm, hai đứa đang ngồi học trong phòng thì chị Lan gọi sang. Chị bảo "Hai đứa qua đây, chị cho thử món này". Hai đứa tôi buông bút buông vở chạy ngay sang phòng chị. Thì ra đó chính là món dưa lưới. Hồi còn ở nhà, Việt Nam còn chưa có giống dưa này, nên đối với hai đứa mà nói đây là món ăn lạ lẫm lắm. Thời đó một quả có giá đến hơn 2 triệu đồng. Đối với lũ du học sinh mà nói thì là một loại trái cây hết sức đắt đỏ. Chị Lan bảo, loại dưa này ngon mà mắc quá nên chị chỉ mua được mấy miếng thôi nhưng chị rất muốn hai em thưởng thức. Thấy thương ghê hem. Chị quý hai đứa tôi đến nỗi có miếng dưa mà cũng nhất định phải mua cho các em. Chị cẩn thận lấy dao cắt ra thành từng miếng vuông vuông rồi đưa cho hai đứa tôi mỗi đứa một miếng. Chu cha, trong đời chưa khi nào tôi thấy miếng dưa nào thơm mềm mà ngọt như miếng dưa chị đưa hôm ấy. Vỏ bên ngoài màu xanh thật nhạt, từng sợi gân nổi rõ ràng, miếng dưa có màu cam, hoàn toàn khác với loại dưa hấu vỏ xanh ruột đỏ mà chúng tôi vẫn hay ăn ở nhà. Mà vị thơm, vị ngọt thì quả thật là không loại nào sánh nổi. Ba chị em vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon. Chị Lan bảo sở dĩ quả dưa này ngon và đắt như vậy là bởi vì người trồng họ phải chăm sóc rất kỹ. Họ phải xoay thế nào cho toàn trái dưa có hình dáng đẹp mắt, tròn đều, tất cả các mặt đều được đón ánh nắng. Rồi họ cũng tính toán lượng nước rất kỹ mới đảm bảo được độ ngọt của các quả là đều nhau. Tất cả các quả dưa từ một vườn đều phải đạt tiêu chuẩn về kích thước, hình dáng, độ ngọt và thơm và để giữ thương hiệu họ kiên quyết bỏ đi những quả không đạt yêu cầu. Họ thà hủy, chứ tuyệt đối không để lưu hành trên thị trường những loại không đạt chuẩn. Thêm nữa, để tăng giá trị cho hàng nông sản, họ còn tiến hành bán đấu giá cho những quả dưa đầu mùa mà người thắng đấu giá có thể là chủ các nhà hàng, khách sạn, họ sẽ dùng để phục vụ thực khách VIP của mình. Vậy nên giá của một quả dưa mới cao đến như vậy. Giá một quả này đã tính luôn cả những quả mà họ đã tiêu hủy không cho lưu hành ngoài thị trường rồi. Đúng là dưa đắt xắt ra miếng thật.
Vùng Hokkaido Nhật Bản ngày nay còn có món dưa hấu Densuke, chỉ có 100 quả mỗi năm với giá hàng nghìn đô la, năm 2019 một quả dưa đã được bán với giá 6000 đô la (tương đương 137,5 triệu đồng), còn giống nho đỏ Ruby Roman thì có giá lên đến 250 triệu một chùm đấy các bạn. Họ không có trồng tràn lan theo phong trào để được mùa mất giá, được giá mất mùa mà tận dụng tối đa công nghệ để kiểm soát chất lượng cũng như số lượng. Nhiều giống trái cây cực phẩm của họ khách hàng phải đặt hàng từ trước khi loại trái cây đó lưu hành trên thị trường và được bán với giá rất cao mà người được sở hữu cũng rất lấy làm vinh dự.
Sau này chúng tôi về nhà chị Lan mà cứ kể mãi câu chuyện miếng dưa ba chị em chia nhau năm ấy. Mẹ chị Lan vốn là giám đốc, xót ơi là xót. Mẹ chị bảo, thương các con, bây giờ nhà mình cũng có món dưa ấy rồi, vậy mà các con tôi chỉ đủ chia nhau một miếng dưa vậy. Nói rồi mẹ chị đi mua ngay mấy quả về cho chúng tôi thưởng thức. Nhưng kể cả quả dưa mà mẹ chị Lan đãi chúng tôi hôm ấy cho đến nhiều quả dưa khác mà chúng tôi đã từng ăn qua, không có một quả nào đạt độ thơm và ngọt như miếng dưa mà chúng tôi đã từng ăn năm ấy.
Có lẽ ngon ngọt là một chuyện, nhưng tấm lòng thơm thảo của chị Lan đã khiến chúng tôi cảm động và đó cũng là kỷ niệm mà chúng tôi mãi không quên trong những tháng ngày sống xa gia đình.