NGUYỄN THU HƯƠNG WEBSITE - BLOG -EDUChia sẻ, kết nối cùng thành công !
NGHĨ VỀ VIỆC HỌC QUA TÁC PHẨM "THEO DẤU HOÀNG HẬU NAM PHƯƠNG VÀ VUA BẢO ĐẠI"
Thứ hai - 01/07/2024 18:47
Câu chuyện bắt đầu từ 6/1/2024 trong sự kiện quốc tộc thương nhân giữa 3 dòng họ Nguyễn Trần Ngô, khi được hỏi nhân vật họ Nguyễn nào mà bạn muốn nhắc đến mình đã nói Nam Phương Hoàng Hậu.Để rồi suốt thời gian qua là những trải nghiệm về một cuộc đời, một nhân vật lịch sử cho đến ngày quyển sách này ra mắt công chúng.Thế hệ trẻ ít có dịp hiểu về những nhân vật lịch sử nếu không được cung cấp đủ tư liệu và không khỏi hoang mang trước quá nhiều luồng thông tin không được kiểm chứng và trái chiều. Học lịch sử thú vị hơn em tưởng và chất liệu lịch sử có thể giúp phát triển công nghiệp văn hoá thế nào, tinh thần làm việc liên ngành, liên trường, xuyên quốc gia ra sao?! Một buổi workshop mà TS Vĩnh Đào đã nhận lời ngay khi được mời thế nhưng để tổ chức được cũng là một kỳ công. Biết ơn tất cả đã sắp xếp mọi việc bận rộn, đã dành thời gian đến chia sẻ, tham dự và lắng nghe. Đã yêu thương và đoàn kết vì một quốc tộc thương nhân vững mạnh hơn trong tương lai. Để xây những con đường đi đến thành công bằng sự chân thật, chân thành và sự tử tế.
Chúng tôi đã từng có dịp đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều bạn bè trên thế giới và cũng là người được học về rất nhiều nền văn hóa khác nhau, đầu tiên là học về nước Nga, nước Anh Mỹ và sau đó là Nhật Bản trong thế giới các nước phương Đông. Nền văn hóa nào cũng có cái hay, cái đẹp riêng do những yếu tố lịch sử, địa lý, văn hóa mang lại. Một điều may mắn hơn nữa là ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường đại học chúng tôi đã được học môn "Cơ sở văn hóa Việt Nam". Ngày ấy, điều kiện vật chất không giống như bây giờ, phòng học không đủ cho hàng trăm bạn sinh viên. Đến giờ học, thầy kê ghế ngồi ngay giữa bục giảng, không có máy chiếu, hình chiếu như lớp học ngày nay ấy vậy mà giờ học của thầy cũng vô cùng hấp dẫn và sinh động. Lũ chúng tôi lần đầu tiên mới biết những câu ca dao tục ngữ chúng tôi học tập hàng ngày qua bao nhiêu năm qua đều chứa đựng ý nghĩa văn hóa sâu xa, và tinh thần yêu quê hương đất nước, yêu lịch sử dân tộc cũng nhờ thầy mà lớn lên từ ngày ấy. Trường của chúng tôi là trường Đại học Văn Khoa và nay là ĐH KHXH & NV Tp. Hồ Chí Minh, là cái nôi của những ngành học như Sử, Địa, Văn, Triết và rất nhiều các ngành học khác. Ngành chúng tôi theo học là ngành Đông phương học, chuyên ngành Nhật Bản học, do đó chúng tôi không chỉ được học về văn hóa Nhật Bản mà còn được học về văn hóa lịch sử Việt Nam, lịch sử văn minh phương Đông, phương Tây, Trung Hoa và các quốc gia Đông Nam Á, Đông Á khác.
Rất nhiều kiến thức mà cho dù bao nhiêu năm đã trôi qua chúng tôi vẫn còn nhớ đến tận bây giờ, nhưng điều quan trọng hơn cả là tinh thần làm việc nghiêm túc khoa học. Thầy của chúng tôi vô cùng nghiêm khắc và đã học tập điều gì bao giờ cũng yêu cầu chúng tôi phải có cái nhìn đa chiều, không bao giờ chỉ tin vào điều sẵn có mà phải tìm kiếm nhiều nguồn thông tin khác nhau, nhìn một sự vật, sự việc ở nhiều góc độ khác nhau. Thầy cũng tập cho chúng tôi tinh thần độc lập suy nghĩ, không lệ thuộc vào điều mọi người vẫn cho là đúng mà phải biết lật ngược vấn đề lại để suy nghĩ và rằng khoa học là điều mà người sau đưa ra quan điểm và chứng minh được đó là đúng. Chúng tôi cũng được học cách nhìn nhận một vấn đề thật sâu, đặt văn hóa Việt Nam trong tương quan so sánh với các quốc gia khác trong khu vực. Bài tập chúng tôi được cho cũng vô cùng đa dạng và phong phú. Ví dụ như tìm hiểu ngày Tết đoan ngọ giữa các nước Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa, hay tìm hiểu tên gọi thành phố Hồ Chí Minh qua lịch sử. Chúng tôi còn thi trắc nghiệm, thi vấn đáp, viết luận v.v. để thật thông thạo một vấn đề chứ không chỉ đơn thuần là việc học thuộc lòng.
Nhưng phải đến khi chúng tôi tiếp xúc với các bạn quốc tế thì mới thấy tầm quan trọng của việc hiểu về lịch sử và văn hóa nước mình. Các bạn quốc tế đôi khi hỏi những câu mà chúng tôi tưởng là có thể chui đi đâu mà trốn vì không biết câu trả lời. Chẳng hạn như đang đi thuyền trên sông Sài Gòn bạn quay qua hỏi tôi "Sông này sâu bao nhiêu?", lại có lần đang đi trên đường bạn hỏi "Sao những gốc cây ở thành phố lại được bôi trắng xóa?". Vào quán ăn bạn lại hỏi "Tại sao lại gọi là bánh xèo? Bột bánh cuốn được làm bằng gì hay các loại rau này có tên là gì?". Hoặc giả đang đi trên đường bạn lại hỏi "Bức tượng này là tượng của ai? Nhân vật này đóng vai trò gì trong lịch sử?". Nếu không thường xuyên vào bếp, đi chợ hay tìm hiểu thế giới bên ngoài trang sách hay không thường xuyên tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, có lẽ không thể nào trả lời được hàng tỷ câu hỏi của các bạn lần đầu tiên tiếp xúc với văn hóa Việt Nam. Và tương tự như vậy, khi sang nước ngoài, các bạn ấy có thể mắt tròn mắt dẹt khi nghe chúng tôi nói về văn hóa của nước bạn ấy, vì chúng tôi học rất sâu, biết những điều mà ngay cả người dân bản địa không hay biết. Tuy nhiên, đôi khi chúng tôi lại ngớ người khi bạn hỏi về văn hóa, lịch sử, dân tộc Việt Nam. Đó là lý do mà chúng tôi luôn thấy, muốn đi thật xa cần phải hiểu thật gần. Muốn sống trong một thế giới đa dạng giàu bản sắc bạn nhất thiết phải hiểu được mình đến từ đâu, quê hương mình có những điều gì, trong dòng họ mình có những nhân vật lịch sử nào. Vì cho dù bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, chúng tôi tin hào khí ấy vẫn đang chảy trong huyết quản của các bạn hôm nay.
Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi luôn hỗ trợ cho các hoạt động phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, luôn ủng hộ các bạn trẻ tìm hiểu về văn hóa cội nguồn dân tộc mình. Tuy nhiên, khi làm mentor chương trình Brand Review Award mùa một mới thấy các bạn quá vất vả. Đối với những bạn trẻ không học chuyên về lịch sử hoặc đang học trong các trường quốc tế, các bạn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu. Các tài liệu công khai trên mạng thường không đáng tin cậy, không chính xác và có nhiều nguồn tin theo kiểu một chiều. Hơn nữa còn có một số tài liệu được tạo ra một cách có chủ đích. Nếu không đặt câu hỏi tại sao? Không so sánh đối chiếu ở nhiều nguồn tin đáng tin cậy, vô hình chung các bạn sẽ trở thành người chuyên chở những thông tin sai lạc. Vì vậy, rất cần những nhà chuyên môn hướng dẫn để các em có nguồn tư liệu chính thống, đa chiều, đáng tin cậy và khách quan khi nhìn nhận vấn đề liên quan đến văn hóa và lịch sử.
Phần 2 của câu chuyện sẽ gửi đến cho các bạn vào hôm sau.
Chúc một ngày mới năng lượng và thật nhiều tình yêu thương.
Nguyên Phó Trưởng ban phát triển doanh nghiệp CLB Doanh nhân Khánh Hòa Sài Gòn.
Nguyên Phó Trưởng Khoa Nhật Bản học
Trưởng phòng HTQT và phát triển Dự án quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh.
Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh.
Cố vấn...