Pierre Cardin: Ông trùm làng mốt thế giới
Trong sự nghiệp thời trang kéo dài hơn 6 thập kỷ của mình, Pierre Cardin được mệnh danh như một trong những huyền thoại thời trang của toàn cầu, một người dẫn đầu xu hướng, người nhận về nhiều sự ngưỡng mộ và cả ghen tị vì đầu óc kinh doanh nhạy bén.
Ông sinh ngày 2/7/1922 tại Treviso, Ý và chuyển đến Pháp cùng gia đình từ khi chỉ mới là một đứa trẻ. Thuở niên thiếu, Pierre Cardin lớn lên ở thị trấn công nghiệp Saint Etienne và đã sớm tiếp xúc với ngành công nghiệp thời trang khi học việc tại một nhà may ở Vichy vào năm 17 tuổi. Kế thừa tinh thần thời trang lịch lãm của Ý giao thoa với phong cách lãng mạn Pháp, ông đã “phù phép” những bộ trang phục bay bổng đầy mê hoặc cho bộ phim kinh điển Beauty And The Beast của đạo diễn Jean Cocteau vào năm 1947. Đây cũng là dấu mốc đưa cuộc đời Cardin rẽ sang một hướng khác khi được giới mộ điệu biết đến và sự nghiệp ngày càng thăng hoa.Vào năm 28 tuổi, tức năm 1950, sau thời gian làm việc với một huyền thoại thời trang khác là Christian Dior, ông đã thành lập nhãn hiệu thời trang của riêng mình và khẳng định tên tuổi như nhà sáng tạo, nhà thiết kế dẫn đầu xu hướng.
Năm 1954, ông gây sốt giới thời trang châu Âu với thiết kế huyền thoại váy bong bóng (bubble dress) gồm các chi tiết xếp nếp tổ ong quanh eo, tạo độ phồng cho chân váy. Cho đến nay, váy bong bóng vẫn là thiết kế được ưa thích trên các sàn diễn thời trang đẳng cấp toàn cầu.
Vào thời điểm thương hiệu thời trang cao cấp mang tên ông đã đạt được những danh tiếng nhất định, Pierre Cardin bắt đầu thúc đẩy những bước tiến đột phá về mặt thương mại khi ra mắt nhiều bộ sưu tập thời trang may sẵn cho Paris Printemps và lấn sân sang mảng phụ kiện, nước hoa… Chưa khi nào ý tưởng sáng tạo trong Cardin cạn kiệt, dù ông đang thiết kế “tay áo hay chân bàn”.
Năm 1957, ông mở một store tại Paris với những thiết kế phá cách dành riêng cho nam giới, lấy tên là Adam. Những thiết kế được đón nhận nồng nhiệt. Ngay cả những huyền thoại âm nhạc như The Beatles cũng ưa thích và hết sức hưởng ứng bộ sưu tập của Cardin. Chính ông trùm thời trang này là người sáng tạo nên những bộ comple không cổ cực nổi tiếng mà The Beatles trưng diện trong nhiều dịp đặc biệt. Danh sách khách hàng trung thành của Pierre Cardin bao gồm hàng loạt những cái tên đẳng cấp khác như: Gregory Peck, Rex Harrison, Mick Jagger…
Song song với mảng phát triển kinh doanh thời trang, ông trùm Pierre Cardin vẫn đủ sức “chinh chiến” và giành nhiều thành tựu ở lĩnh vực thiết kế. Ông nhấn mạnh: “Thời trang và thiết kế là không giống nhau. Thời trang tạo ra những gì bạn có thể mặc thường ngày. Thiết kế có thể không được ưa chuộng nhưng nó thể hiện sức sáng tạo”.
Bộ sưu tập "Space Age" năm 1964 của Pierre Cardin được đánh giá là một trong những khoảnh khắc mang tính bước ngoặt của ngành thời trang toàn cầu với những chiếc váy cut-out, bộ đồ dệt kim, quần da bó, mũ trùm đầu ôm sát và áo khoác cánh dơi. Nó ra đời cùng lúc với thời điểm cuộc chạy đua vũ trụ của Nga và Mỹ gây chú ý trên toàn cầu. Một bộ sưu tập khác là “Cosmocorps” cũng trong thập niên 60 thì tiên phong cho xu hướng thời trang unisex mà đến ngày nay đang được ưa chuộng rộng rãi.
Tạp chí thời trang Vogue nhận định rằng Pierre Cardin chính là người tạo nên một cuộc cách mạng trong trang phục nam. Nhiếp ảnh gia thời trang kiêm cựu người mẫu Nigel Barker thì khẳng định khi hay tin Pierre Cardin qua đời: “Chúng ta đã mất đi một huyền thoại”. Các thiết kế của Pierre Cardin đã góp phần định hình bộ mặt của thời trang thế giới trong hơn 6 thập kỷ, cho đến khi ông ra đi.
Pierre Cardin và tầm nhìn kinh doanh chiến lược
Có rất ít nhà thiết kế danh tiếng vừa có năng lực sáng tạo dồi dào lại có tầm nhìn kinh doanh thiên phú như Pierre Cardin. Ông chính là nhà thiết kế đầu tiên trên thế giới mạnh dạn đưa các mặt hàng thời trang cao cấp sang thành những thiết kế may sẵn cung cấp cho đại chúng bày bán tại cửa hàng bách hóa vào cuối những năm 50. Chính hành động khác biệt như vậy đã khiến Cardin tạm bị trục xuất khỏi Chambre Syndicale de la Couture - hiệp hội các nhà thiết kế thời trang cao cấp của Pháp.
Pierre Cardin cũng là người tiên phong trong việc thúc đẩy hàng loạt lĩnh vực kinh doanh khác như nước hoa, phụ kiện đi kèm cùng các bộ sưu tập thời trang. Sau này, hàng loạt thương hiệu thời trang cao cấp của Pháp bao gồm cả Gucci, Armani… đều học hỏi mô hình kinh doanh thương mại kết hợp như vậy và thu về lợi nhuận kếch xù.Ông trùm thời trang này cũng là cái tên dẫn đầu xu hướng xây dựng thương hiệu cá nhân mang tên Pierre Cardin mà sau này được tờ New York Times ca tụng là người có tầm nhìn xa trông rộng. Có thời điểm, thương hiệu cá nhân Pierre Cardin phổ biến đến nỗi nó được in trên đủ loại mặt hàng, từ thời trang bình dân cho đến cao cấp, từ đồ gia dụng cho đến phụ kiện, nước hoa, từ bao thuốc lá cho đến thực phẩm. Năm 2002, New York Times ước tính đã có khoảng 800 sản phẩm mang tên Pierre Cardin (PC) được bán ra ở hơn 140 quốc gia trên thế giới với doanh số thu về khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.
Ông trùm làng mốt còn từng tuyên bố rằng ông chẳng cảm thấy phiền lòng hay bực bội nếu tên PC được in lên… giấy vệ sinh, một điều đi ngược hoàn toàn với các thương hiệu và nhà thiết kế thời trang cao cấp khác, những người chỉ bó buộc bản thân xung quanh các mặt hàng xa xỉ phẩm sang trọng với giá đắt đỏ. Chính tư tưởng đi ngược lối mòn này đã khiến ông vướng phải nhiều lời đàm tiếu. Không ít người đã buộc tội Cardin phá hủy khái niệm thời trang cao cấp nói chung, nhưng điều này không khiến nhà thiết kế huyền thoại bận lòng.
Dành hơn 6 thập kỷ cống hiến cho ngành thời trang, Pierre Cardin thừa nhận làm mọi thứ không phải vì tiền nhưng “trong lúc theo đuổi đam mê, tôi tạo ra tiền”. Theo CelebrityNetWorth , giá trị tài sản ròng của Pierre Cardin vào thời điểm ông qua đời ước tính khoảng 800 triệu USD.
Nguồn tin: danviet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nguyên Phó Trưởng ban phát triển doanh nghiệp CLB Doanh nhân Khánh Hòa Sài Gòn. Nguyên Phó Trưởng Khoa Nhật Bản học Trưởng phòng HTQT và phát triển Dự án quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Cố vấn...