THƯƠNG HIỆU ĐẾN TỪ ĐÂU?

Thứ năm - 06/06/2024 18:20
Bạn có biết doanh nghiệp lâu đời nhất trên thế giới được thành lập từ năm nào không? Đó là Kongo Gumi thành lập năm 578 (1.446 tuổi) và Hiệp hội hoa đạo Ikenobo thành lập năm 587 (1.437 tuổi). Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao có những doanh nghiệp kéo dài hàng ngàn năm, trải qua nhiều đời và vẫn duy trì được danh tiếng và thương hiệu, nhưng lại có những doanh nghiệp sụp đổ chỉ trong vòng 1-3 năm không?Bạn có biết Lương Văn Can, bậc thầy của giới doanh thương Việt Nam đã dặn dò lại cho hậu thế điều gì không? Bạn muốn doanh nghiệp của mình trở thành doanh nghiệp như thế nào?
THƯƠNG HIỆU ĐẾN TỪ ĐÂU?

Thương hiệu đến trước tiên từ chất lượng của sản phẩm mà bạn cung cấp cho xã hội nhưng không chỉ có thế. Tư tưởng đôi bên cùng có lợi, 3 bên cùng có lợi thậm chí 5 bên cùng có lợi đã được hình thành và bén rể trong tư duy của họ. Đó là người bán, người mua, nhân viên, cộng đồng địa phương, môi trường tất cả các bên đều có lợi, thì khi đó sản phẩm hay doanh nghiệp chúng ta tạo nên mới bền vững và tồn tại lâu dài qua thời gian. 

Người thợ khi làm ra một sản phẩm điều đầu tiên phải nghĩ đến là sản phẩm đó sẽ bán cho ai? Người ta sẽ sử dụng nó vào việc gì? Làm thế nào để có nguyên liệu tốt nhất, đảm bảo cho sức khỏe nhất và bán ra với mức giá hợp lý nhất? Làm sao để người tiêu dùng đó họ không chỉ mua sản phẩm của chúng ta một lần mà còn quay trở lại thêm nhiều lần nữa. Và họ sẽ mãi mãi trở thành khách hàng trung thành của cửa hàng từ đời con đến đời cháu và giới thiệu cho nhiều người cùng tiêu dùng sản phẩm của mình?

Muốn vậy chúng ta phải thấu hiểu mọi điều kiện có liên quan đến sản phẩm, từ nhu cầu của người mua, khả năng của chúng ta đang có, những thay đổi cho phù hợp với sự biến thiên của thời đại, bảo vệ gìn giữ tài nguyên thiên nhiên, cống hiến trở lại cho cộng đồng đến tái tạo lại nguồn nguyên liệu cho những thế hệ tương lai. Đó không chỉ là kinh nghiệm của những doanh nghiệp lâu đời hàng ngàn năm qua mà còn là những mục tiêu để hướng tới phát triển bền vững cho thế kỷ XXI và những năm sắp tới. 

Muốn vậy rất cần một con đường, một lối đi cho doanh nhân Việt, không chỉ phát triển tốt trong nước mà còn bước những bước vững chắc trên con đường hội nhập quốc tế. 

Theo Lương Văn Can trong "Thương học phương châm" 1930 - một cuốn sách hướng dẫn đạo kinh doanh cho người Việt, thương giới Việt có những hạn chế như sau: Không có thương phẩm; Không có thương hội; Không có tin thực; Không có kiên tâm; Không có nghị lực; Không biết trọng nghề; Không có thương học; Kém đường giao thiệp; Không biết tiết kiệm; Khinh nội hóa. Theo ông, mười nhược điểm đó chính là cái bệnh rất lớn làm cho các nhà buôn bó buộc vào sự eo hẹp mà không có đường mở mang. Đó là cái bệnh độc hại phải tìm phương mà cứu chữa.

Theo Lương Văn Can, muốn thành công trong kinh doanh, trước tiên các nhà kinh thương phải hiểu được việc kinh doanh, phải tận tâm, dốc lòng dốc sức kiên tâm theo đuổi. Tuy nhiên, kiên tâm theo đuổi kinh doanh nhưng không có thương đức thương tài thì cũng không thể làm kinh doanh được, không bền được. Ông khẳng định nghề buôn là một nghề lương thiện, chân chính. Phải xác định được những triết lý này thì kinh doanh mới phát đạt, thành công. 

Ông để lại cho hậu thế 6 chữ "Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ' “Giữ gìn tinh hoa của dân tộc, rửa sạch tủi nhục cho đất nước” và lòng tràn đầy hy vọng về tương lai. 

Gần 100 năm đã trôi qua kể từ khi Lương Văn Can viết Thương học phương châm, thế hệ doanh nhân Việt đã làm được gì để thực hiện lời dặn dò của ông? 

Và cần bao nhiêu năm nữa để thương hiệu Việt đứng ngang hàng với thương hiệu của các quốc gia tiên tiến khác?
Câu hỏi đó chắc chắn chính mỗi chúng ta cần phải đi tìm câu trả lời. 

Tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can có thể xem ở đây:
https://hcmussh.edu.vn/static/document/Tài%20liệu%20hội%20thảo%20-%20LVC.pdf

Tác giả bài viết: Nguyễn Thu Hương

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://nguyenthuhuong.net hoặc chưa được sự đồng ý bằng bởi chủ sở hữu là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Nguyễn Thu Hương

Nguyên Phó Trưởng ban phát triển doanh nghiệp CLB Doanh nhân Khánh Hòa Sài Gòn.  Nguyên Phó Trưởng Khoa Nhật Bản học Trưởng phòng HTQT và phát triển Dự án quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Cố vấn...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây