NGUYỄN THU HƯƠNG WEBSITE - BLOG -EDUChia sẻ, kết nối cùng thành công !
TIẾNG VIỆT TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở PHÁP - GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI PHÁP ĐỐI VỚI TIẾNG VIỆT VÀ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM TẠI PHÁP ( NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TẠI THÀNH PHỐ MARSEILLE).
Thứ bảy - 08/06/2024 19:29
Cộng đồng người Việt Nam ở Pháp là một cộng đồng người có nguồn gốc lâu đời và lớn mạnh. Trong đó, Marseille là thành phố có bề dày lịch sử về quá trình hình thành và phát triển cộng đồng người Việt Nam, có số lượng người Việt đứng thứ hai sau Paris tại Pháp. Nghiên cứu trường hợp Cộng đồng người Việt Nam ở Marseille để hiểu biết văn hóa, ngôn ngữ của cộng đồng người Việt tại đây. Bài viết cho thấy vai trò của Tiếng Việt trong việc kết nối cộng đồng và duy trì bản sắc, đồng thời có những gợi ý đáng lưu ý về giảng dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài. Bằng phương pháp quan sát, tham dự cùng một số phỏng vấn nhanh và tổng thuật tài liệu, nghiên cứu mang tính chất mô tả tổng thể trên địa bàn mà tác giả đang sinh sống và trải nghiệm. Trên cơ sở đó sẽ lý giải nguyên nhân và đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và truyền bá Tiếng Việt ra thế giới nói chung, ở Pháp mà cụ thể là thành phố Marseille nói riêng.
Theo dòng lịch sử, dõi theo dấu chân người Việt trên khắp năm châu, có thể thấy “Cộng đồng người Việt Nam ở Pháp” là một cộng đồng người có nguồn gốc lâu đời so với cộng đồng người Việt Nam ở các nước khác trên thế giới. Từ Thế chiến thứ hai làn sóng di cư đông nhất có tổ chức, khoảng 20.000 người Việt Nam đến nước Pháp là năm (1939-1940) khi người Pháp tuyển nhân công trong thuộc địa của mình sang miền Nam
nước Pháp làm nhiều công việc lao động khác nhau. Hơn thế nữa, Marseille là bến cảng Pháp đầu tiên nơi Bác Hồ đặt chân xuống trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước, đến nay là kỷ niệm 110 năm (1911-2021). Đồng thời là 100 năm Hội người Việt Nam tại Pháp (1919-2019) tiền thân là “Nhóm người An Nam yêu nước” tổ chức do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và Một thế kỷ của phong trào người Việt ở Pháp hướng về quê hương đất nước. Từ quá trình lịch sử hình thành, cộng đồng người Việt Nam ở Pháp nói chung, ở Marseille nói riêng đã ngày càng lớn mạnh và phát triển. Trải qua nhiều thế hệ cháu con sinh sống trên xứ người, “Tiếng Việt” và “Văn hóa Việt Nam” trên đất khách tồn tại như thế nào? “Sinh hoạt cộng đồng” của người Việt ra sao? Bài viết sẽ được tác giả đề cập đến hai phần:
Phần 1, Những hoạt động văn hóa của người Việt Nam trên đất Pháp và tiếng Việt được sử dụng như thế nào trong những sinh hoạt động cộng đồng của người Việt ở Marseille. Nó bị mai một hay vẫn còn được sử dụng một cách thông thạo và những giá trị văn hóa dân tộc còn được bảo tồn hay biến thể bởi sự hội nhập vào nước sở tại của thế hệ con em.
Phần 2, Góc nhìn và những suy nghĩ của người Pháp đối với tiếng Việt và cộng đồng người Việt Nam ở Marseille.
1. Tổng quan
1.1. Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp nói chung
Theo Lời chào của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng 6/2021: “Để đạt được nhiều thành tựu trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp không thể không kể đến sự đóng góp to lớn của cộng đồng người Việt Nam tại đất nước hình lục lăng này. Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đã được hình thành qua nhiều giai đoạn lịch sử, có truyền thống yêu nước, hội nhập tốt vào xã hội sở tại và tỏa sáng bằng trí tuệ trong nhiều lĩnh vực”.
Thật vậy, nhiều Hội đoàn của kiều bào và bạn bè Pháp đã đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước như: Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), Ủy ban quốc gia “Làng hữu nghị Vân Canh” của Pháp, Trung tâm thông tin và tư liệu về Việt Nam (CID), Việt Nam - những đứa trẻ Dioxin (VNED).v.v.trong đó có Foyer Vietnam (Ngôi nhà Việt Nam) tại Paris là “Cổng thông tin” kết nối cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, các Hội đoàn hữu nghị, đoàn kết với Việt Nam tại Pháp. Tất cả tạo thành cộng đồng người Việt Nam tại Pháp nói chung mà đại diện là ở Paris. Ngoài ra còn có rất nhiều Hội đoàn của người Việt Nam ở khắp tỉnh thành trên toàn nước Pháp nói riêng hoạt động mạnh mẽ trên các thành phố Marseille, Lyon, Bordeaux, Toulouse, Grenoble, Rennes, Lille, Var.v.v...
Theo ước tính năm 2019, có khoảng 350.000 người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Pháp, trong đó gần một nửa sống ở Paris và xung quanh Ile-de-France. Paris là thủ đô của nước Pháp - nơi tập trung đông đảo nhất người Việt Nam định cư, làm việc và học tập. Hiện tại, đa số Hội đoàn đại diện cho cộng đồng người Việt Nam nói chung thường xuyên tổ chức nhiều lễ hội, hoạt động cộng đồng, hoạt động văn hóa nhằm duy trì, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếng Việt trên đất Pháp như: Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp (Centre Culturel du Vietnam en France), Tre xanh Tiếng Việt Paris...
Bên cạnh đó còn có các Chùa Việt Nam trên toàn nước Pháp như Thiền viện Trúc Lâm (Paris), Làng Mai (Bordeaux), Pháp Hoa (Marseille), Fréjus,..v.v...Vươn khỏi khuôn khổ là nơi thờ tự, tâm linh, các chùa Việt Nam còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, hoạt động văn hóa lễ hội cho bà con kiều bào đến tham dự và tự hào về một bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống Phật giáo hiền hòa vốn có từ lâu đời. Bạn bè Pháp đến tìm hiểu, khám phá về văn hóa và Phật giáo Việt Nam ngay trên đất nước của họ.
1.2. Cộng đồng người Việt Nam tại Marseille nói riêng
1.2.1. Khái quát về thành phố Marseille
Marseille là một thành phố Cảng lớn ở miền Nam của nước Pháp. Marseille (phát âm tiếng Pháp /maʁsɛj/, phiên âm tiếng Việt: Mác-Xây. Kể từ ngày 01/01/2016, Marseille đã thành lập trụ sở chính Métropole của đô thị Aix-Marseille-Provence, đô thị đông dân thứ hai ở Pháp với 1.873.707 cư dân. Về phần mình, khu vực nội đô của nó đứng thứ ba ở Pháp sau Paris và Lyon với 868.277 dân vào năm 2018. Những con số này khiến Marseille trở thành thành phố lớn nhất ở miền Nam nước Pháp, trong khu vực văn hóa Occitane, cũng như ngôn ngữ khu vực của (tiếng miền Nam nước Pháp). Sự mở cửa của Marseille đối với Biển Địa Trung Hải đã làm nó trở thành một thành phố quốc tế về công nghiệp và thương mại được đánh dấu bởi nhiều giao lưu văn hóa và kinh tế với Nam Âu, Trung Đông, Bắc Phi và Châu Á. Từ thế kỷ 17, nó cũng thường được coi như là cổng vào Phương Đông trên bờ biển Địa Trung Hải của Pháp.
Marseille là một thành phố nhập cư, người dân sinh sống ở đây đa số đến từ nhiều đất nước khác nhau. Ngoài người Pháp bản địa, chúng ta có thể “bắt gặp” ngay trên đường phố những người đến từ Bắc phi như Algérie, Tunisie, Maroc...,trang phục của họ là những bộ quần áo theo đạo hồi. Đông đảo người da đen đến từ Tây phi, Trung phi...Bên cạnh đó, có nhiều người châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Lào,Campuchia...Ngoài ra, nhiều cộng đồng người lớn mạnh, có nguồn gốc lâu đời sống ở Marseille như người Arménie, người Italie, Tây Ban Nha, Đức...Hiện nay, một số lượng lớn người Nga cũng di dân đến Marseille.v.v...Tất cả tạo nên một thành phố đa chủng tộc, đa dân tộc, đa văn hóa và đa ngôn ngữ. Mỗi một dân tộc có một nét văn hóa riêng biệt nhưng nằm trong tổng thể nền văn hóa chung của thành phố này.
Về ngôn ngữ, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thống được sử dụng ở nước Pháp. Tuy vậy, ở Marseille mỗi khi bạn đi đến nơi nào có nhiều cộng đồng người đó sinh sống, hoạt động bạn sẽ nghĩ rằng mình “đang đi du lịch” bởi lẽ âm thanh và tiếng nói riêng của dân tộc họ được vang lên. Cộng đồng người Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tiếng Việt được sử dụng lưu loát bất cứ nơi đâu có người Việt Nam gặp gỡ, nơi nào có người
Việt Nam thì nơi đó có tiếng nói của người Việt được “phát ra”. Tuy nhiên, những người nói thông thạo tiếng Việt đó là thế hệ nào và nó được lưu truyền ra sao? Tác giả sẽ trình bày ở phần tiếp theo.
1.2.2. Quá trình hình thành và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở Marseille
Quá trình hình thành và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở Marseille là một quá trình lịch sử di dân lâu dài. Từ Thế chiến thứ nhất đến nay số lượng người Việt Nam sinh sống ở Marseille và các vùng lân cận ngày càng trở nên lớn mạnh. Theo EurasiaNet video phóng sự về “les Vietnamiens à Marseille” năm 2021: “Thành phố nhập cư, Marseille đại diện cho cộng động người Việt Nam lớn thứ hai tại Pháp sau Paris. Thông qua những lời kể được thu thập, người Việt Nam ở Marseille có lịch sử 100 năm, là một cộng đồng rất kín đáo, họ đến định cư ở Marseille - một trong những cảng lâu đời nhất ở Pháp”. Theo ông Tôt Nguyen-Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Marseille:“hiện nay có khoảng 25.000 ngàn người Việt Nam sinh sống ở Marseille và các vùng lân cận. Họ có cuộc sống ổn định và hòa nhập vào xã hội rất tốt”.
Nghiên cứu của EurasiaNet và rfi.fr, “cột mốc người Việt Nam đến Marseille nói riêng, Pháp nói chung gồm 6 thời kỳ lớn: (1914-1918), (1920-1939) thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, người Đông Dương đến làm công nhân trong các nhà máy sản xuất vũ khí cho Pháp. (1939-1954) những người “lính thợ” Việt Nam đến làm lao động chân tay phục vụ cho “mẫu quốc”. (1954 -1955) họ đến theo hiệp định Gevève.
(1955-1975) nhiều người Việt ra đi vì ở Việt Nam đang có chiến tranh với Mỹ. (1975-1980) làn sóng vượt biển của những thuyền nhân sau chiến tranh”. Hiện nay, số lượng người Việt Nam nhập cư sang Pháp nói chung, Marseille nói riêng ngày càng đông đảo nhưng trên phương diện hòa bình, hữu nghị. Với những làn sóng di dân này, mặc dù đã có rất nhiều người Việt hồi hương nhưng số lượng người ở lại tương đối lớn. Họ phân
tán đến nhiều thành phố lớn nhỏ khác nhau để sinh sống, lập nghiệp và kết hôn.
Dựa trên cột mốc lịch sử, quy chiếu theo trực hệ, cộng đồng người Việt Nam ở Marseille đã sản sinh 4 thế hệ con cháu-những người sinh ra và lớn lên ở Pháp (từ thế hệ hai...). Họ đã đồng nhất vào văn hóa Pháp, có rất nhiều con em thành đạt trở thành những trí thức danh tiếng trong xã hội và cộng đồng như bác sĩ, kĩ sư, luật sư, giáo sư...Họ còn được gọi là người Pháp gốc Việt (les Français;origine vietnamienne).
Đối với những người Việt Nam thế hệ một, những người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam sau đến Pháp định cư, lập nghiệp, tiếng nói và văn hóa của họ hoàn toàn thuần Việt. Có thể thấy, đây là thế hệ luôn luôn đông đảo trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau cho đến tận ngày nay. Họ là đối tượng nghiên cứu chính đại diện cho cộng đồng tộc người di dân được quan tâm chú ý nhiều nhất. Hơn nữa, họ chính là nhịp cầu nối, truyền lửa, nuôi dưỡng tinh thần cho cháu con hướng về quê hương nguồn cội qua những bản sắc văn hóa và ngôn ngữ mà họ mang theo. Họ là người Việt Nam-cộng đồng người Việt Nam ở Pháp, ở Marseille.v.v..
Những sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng người Việt Nam tại Marseille vừa co cụm vừa giao lưu đã tạo nên một bức tranh sống động đầy màu sắc trong tổng thể nền văn hóa đa sắc màu của một quốc gia đa ngôn ngữ, đa chủng tộc trên đất Pháp. Theo Bách khoa toàn thư Pháp ghi nhận: “Thế hệ đầu tiên của những người nhập cư vẫn gắn bó với quê hương gốc của họ, trong khi thế hệ thứ hai của người Việt Nam, sinh ra ở Pháp, đồng nhất với văn hóa Pháp hơn là với văn hóa truyền thống Việt Nam. Thế hệ đầu tiên nói tiếng Việt và tiếng Pháp. Thế hệ thứ hai và các thế hệ tiếp theo phần lớn nói tiếng Pháp và có thể không nói hoặc không hiểu tiếng Việt”.
Tuy nhiên, theo quan sát và ghi nhận của tác giả sau hơn 10 năm sinh sống và tiếp xúc, đối với gia đình có bố mẹ hoàn toàn là người Việt Nam thì con cái có thể nghe hiểu, nói tốt tiếng Việt trong gia đình, mặc dù không biết đọc viết.
2. Tiếng Việt và những sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng người Việt Nam tại Marseille
Nói về gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như giao lưu và truyền bá văn hóa thì các cơ sở Hội đoàn, Tôn giáo là nơi phát huy và khẳng định được giá trị, hình ảnh của người Việt Nam ở nước ngoài. Ở Marseille và các Vùng lân cận có các Hội đoàn như (Hội người Việt Nam tại Marseille, Hội những người bạn Việt Nam, Hội sinh viên Aix-Marseille, Hội Var..), Tôn giáo (chùa chiền, nhà thờ)...Những hoạt động của người Việt Nam ở Pháp nói chung, Marseille nói riêng luôn được gắn kết giữa gìn giữ văn hóa Việt trên xứ người và hướng về quê hương đất nước. Trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi xin giới thiệu hai cơ sở có hoạt động cộng đồng mạnh và tiêu biếu nhất đối với cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Marseille:
2.1. Association les amis du Vietnam (Hội những người bạn Việt Nam)
Là một Hiệp hội được thành lập bởi những người Pháp có nguồn gốc Việt Nam (cha hoặc mẹ là người Việt) với phương châm “Văn hóa và Đoàn kết” (Association les amis du Viet nam - Culture et Solidarité), mục đích khám phá và duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam!
Hội những người bạn của Việt Nam, kể từ khi thành lập vào tháng 7/2000, đã phát triển nhiều hoạt động khác nhau, thông qua sự vận động của các thành viên và sự hỗ trợ của Tổng Hội đồng (Conseil Général) và thành phố Marseille (la Ville de Marseille), để thực hiện các hành động tương trợ với những người có hoàn cảnh khó khăn ở một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Đến nay Hội đã can thiệp trong khuôn khổ như:
- Đào tạo nghề cho người lớn,
- Thanh toán học phí hàng năm cho trẻ em khuyết tật,
- Cung cấp thiết bị cho trường học, trại trẻ mồ côi, trạm xá và bộ dụng cụ mùa đông cho người già,
- Hỗ trợ các cộng đồng dân tộc thiểu số để tạo ra và vận hành các đồn điền cây keo.
- Xây nhà tình thương.
Hội vẫn đang tiếp tục tin tưởng và đồng hành cùng những người bạn. Có thể nói Hội les amis du Việt Nam là một Hiệp hội người Pháp đầu tiên và duy nhất ở Marseille, nơi tập trung đông đảo người Pháp gốc Việt (những người mang hai dòng máu Pháp-Việt, còn gọi là người Pháp lai Eurasien, thuộc thế hệ hai) đã có những chương trình hành động rất hữu ích và thiết thực để hướng về Việt Nam. Những việc làm mà họ đóng góp trong sâu thẩm là hướng về quê hương nguồn cội. Các hoạt động ở Hội luôn diễn ra sôi động, đặc biệt là “Bữa cơm tháng”- được tổ chức hàng tháng để gây quỹ hội. Chính nhờ những bữa cơm này mà tất cả những người Pháp gốc Việt được quây quần bên nhau chuyện trò tâm sự về một thời đã rất xa trong ký ức mơ hồ của họ về tuổi thơ nơi mà họ chỉ lưu dấu ấn những kỷ niệm, hồi ức hay qua lời kể của mẹ cha trong thời kỳ thuộc địa. Họ còn cập nhật tình hình thời sự về Việt Nam ngày nay đã có nhiều thay đổi và họ luôn mong muốn “ngày trở về”. Các món ăn chính trong bửa ăn Hội thường là món ăn mang đậm truyền thống Việt Nam như nem, mì xào, cơm canh...Tất cả những người bạn Pháp có gốc Việt này nay tuổi cũng đã cao ngoài 60, bởi cha mẹ của họ là những chứng nhân lịch sử từ thế chiến thứ I và II.
Ở nơi đây mặc dù lấy tên gọi là “Les amis du Vietnam”- những người bạn Việt Nam-nhưng ngôn ngữ họ dùng để giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Pháp, bởi lẽ đối với những người được sinh ra ở Việt Nam thời bấy giờ, có cha là người Pháp mẹ là người Việt, khi trở về Pháp họ còn rất nhỏ rồi phải đi học và sống trong gia đình, môi trường hoàn toàn nói tiếng Pháp nên họ không còn nhớ gì về tiếng mẹ đẻ nữa! Đối với những người có cha là người Việt mẹ là người Pháp được sinh ra và lớn lên ở Pháp thì càng không biết tiếng Việt. Nhưng ý thức trong họ vẫn mãi tồn tại “Cha//mẹ tôi là người Việt Nam”.
Cho nên, Hội đã mở “lớp học tiếng Việt” cho những người Pháp gốc và Pháp gốc Việt để mọi người có thể đến đó học hỏi, trao đổi và khám phá về ngôn ngữ, đất nước con người Việt Nam xưa và nay.
Ngoài ra, vào những dịp cuối năm theo âm lịch, Hội Les amis du Viet Nam còn tổ chức gói bánh Chưng ngày tết và tổ chức văn nghệ mừng xuân như múa Lân, hợp mặt vui chơi...Họ luôn mong muốn khám phá, duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam theo suy nghĩ của họ về những người con đã rời xa xứ sở. Hơn thế nữa, vào tháng tư/2019 Hội Les amis du Viet Nam kết hợp cùng thành phố Marseille tổ chức ngày “Journnée Vietnam”. Đối tượng tham dự là người Pháp lai, bạn bè Pháp và người Việt Nam sống tại Pháp. Nội dung chương trình gồm Hội nghị, Triển lãm, Xếp giấy, Phim, Kịch. Hội nghị bàn tròn nói về lịch sử mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam từ thời kỳ thuộc địa. Các dấu vết và bằng chứng của người Việt Nam trên đất Pháp từ cuối thế kỷ 19. Sự giao thoa văn hóa, sự tác động trong đời sống xã hội và ảnh hưởng của kịch Pháp đến sân khấu Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. “Journée Vietnam” là một chương trình hay và ý nghĩa mang tính lịch sử và nhân văn.
2.2. Các Chùa vùng Marseille (Pháp Hoa, Trúc Lâm, Phổ Đà)
Theo báo điện tử Pháp Bouddhistes-de- marseille tìm hiểu và nhận xét: “Thành phố Marseille là nơi lưu giữ ba kho tàng văn hóa châu Á thực sự. Các quận phía bắc của Marseille ẩn chứa một kho tàng văn hóa châu Á nhỏ. Đầu tiên, một ngôi chùa Việt Nam có tên là Pháp Hoa Tự, nơi thờ tự Phật giáo lớn nhất ở Marseille. Nhưng thành phố còn có hai ngôi chùa Việt Nam khác là Phổ Đà và Trúc Lâm. Phải nói rằng người Việt Nam tạo thành cộng đồng Phật giáo lớn nhất ở Marseille và điều hành ba trong bốn ngôi chùa có mặt ở thành phố: Pháp Hoa, Phổ Đà và Trúc Lâm, cuối cùng là chùa Campuchia. Tất cả mọi người đều có thể đến đây viếng thăm và cầu nguyện”. Ở Marseille và các Vùng lân cận có số lượng người Việt Nam sinh sống khá nhiều, hơn thế nữa phần lớn người Việt theo đạo Phật nên đã xây dựng lên 3 chùa vào các thời điểm khác nhau:
La Pagode Phap Hoa Tu dans le 15e arrondissement - Chùa Pháp Hoa Tự, quận 15.
La Pagode Pho Da dans le 15e arrondissement - Chùa Phổ Đà, cách chùa Pháp Hoa không xa lắm.
La Pagode Truc Lam dans le 11e arrondissement - Chùa Trúc Lâm, được tạo dựng lần đầu tiên vào năm 1970 trong một căn hộ ở quận 2 Marseille, sau đó những người sáng lập của họ và cụ thể là nhà sư Thích Thiện Châu, đã tìm được đất trên đồi Saint Marcel ở khu quận 11 vào năm 1980, nơi họ đã xây dựng ngôi chùa này. Vào lúc 10 giờ sáng thứ bảy hàng tuần, chùa tổ chức các lớp học Taichi, Yoga, Zen-Méditation, Việt vũ đạo…Những hoạt động hữu ích này thu hút được rất nhiều người Pháp tham gia. Các buổi tu tập thường mang tính nhẹ nhàng, tâm an, thư giãn cơ thể. Những năm gần đây, các hoạt động cộng đồng, lễ hội văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc ngày càng trở nên lớn mạnh, gây được tiếng vang trong thành phố Marseille và các vùng lân cận. Người Việt Nam thường xuyên đến các chùa không chỉ để cầu nguyện cho sức khỏe, sự bình an và công việc làm ăn được suôn sẻ hay đến chùa làm công quả nhằm tạo phước đức cho mình và gia đạo, mà chùa còn là nơi để đại chúng, phật tử gần xa được gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt cộng đồng qua những bữa “cơm chay hàng tháng”, những lễ hội “truyền thống Phật giáo” và lễ hội “văn hóa dân tộc”. Có 4 lễ hội lớn được tổ chức hằng năm tại các chùa là: Fête du Nouvel an/ Nouvel an Vietnamien (Tết Việt Nam), Le Vesak (Đại lễ Phật Đản), Fête de la piété filiale (Đại lễ Vu Lan), Fête de la mi-automme (Tết Trung Thu). Chính nhờ những lễ hội này mà
ngày càng có nhiều người Pháp biết đến Phật giáo và cộng đồng người Việt Nam ở Marseille. Mỗi một lễ hội mang một ý nghĩa nhân sinh quan khác nhau, đã làm nổi bật lên giá trị của một dân tộc qua những bản sắc văn hóa riêng biệt của họ. Những hoạt động múa rồng múa lân, ca múa nhạc dân tộc, những bài hát mang âm hưởng dân gian Việt Nam; những trang phục truyền thống áo dài; những lời chào hỏi chúc tụng nhau bằng tiếng Việt “Chúc mừng năm mới, Chúc sức khỏe”...tất cả hòa nguyện đan xen vào nhau trong các lễ hội đã tạo nên một bức tranh sống động đầy màu sắc làm lôi cuốn, say mê ngắm nhìn, thưởng thức của người Pháp.
Ngoài ra, các khóa tu mùa hè, khóa tu mùa thu được chùa tổ chức cho các cháu thiếu nhi được vui chơi, giải trí, học cách tu tập, hiểu biết giáo lý của đức Phật nhằm hướng thiện cho các em. Tuy nhiên, vốn từ tiếng Việt của các em còn hạn chế, nên cần phải có sự hỗ trợ phiên dịch bằng tiếng Pháp. Bên cạnh đó, chùa Trúc Lâm vừa ra mắt “Quỹ Từ Thiện” vào tháng 7/2021, Mục tiêu đem lại lợi ích và hạnh phúc cho những mãnh đời bất hạnh, đến những nơi khó khăn cùng khổ...Với hoạt động có ý nghĩa vô cùng to lớn này, Chùa Trúc Lâm Marseille đã gây được tiếng vang lớn trong lòng mỗi người con đất Việt trong và ngoài nước.
Hòa thượng Mãn Giác đã viết lên bài thơ trong đó có 2 câu thật ý nghĩa “Mái chùa che chở hồn dân tộc - Nếp sống muôn đời của Tổ tông”, bài thơ như nhắc nhở không chỉ Phật tử mà còn cho tất cả những người con đất Việt dù sống bất cứ nơi đâu trên khắp năm châu bốn bể luôn phải biết nhớ đến cội nguồn dân tộc, nếp sống truyền thống văn hóa tốt đẹp ngàn đời của ông cha.
Có thể thấy cộng đồng người Việt Nam ở Marseille luôn gắn kết cùng nhau, mặc dù họ không sống quần thể như kiều bào ở Cali hay Paris…Nhưng chính những nơi Hội đoàn, Tôn giáo là nơi mà người Việt có thể duy trì được bản sắc văn hóa dân tộc của mình trên xứ người.
Tiếng Việt trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lễ hội dân tộc của người Việt Nam ở Marseille khi đi viếng chùa luôn được “cất lên rộng khắp”, không gian không còn tĩnh lặng bởi những âm thanh trầm bổng được vang vọng. Điều đó cho thấy rằng “nơi nào có người Việt Nam nhập cư thì nơi đó tiếng Việt vẫn còn trường tồn mãi mãi”.
Như vậy, người Việt Nam ta dù sống xa quê hương, đất nước và phải hòa nhập vào xã hội của nước sở tại để sinh sống và thích nghi, nhưng những sinh hoạt cộng đồng, những lễ hội văn hóa, tôn giáo...luôn được diễn ra tại các hội đoàn, chùa chiền, nhà thờ...của người Việt tại Pháp nói chung, thành phố Marseille nói riêng. Những hoạt động này mang đậm giá trị bản sắc văn hóa của một dân tộc. Đặc biệt, nơi đây tiếng Việt được sử dụng như một chất keo kết dính cộng đồng người Việt Nam lại với nhau, thể hiện bản sắc người Việt trên đất khách. Tuy nhiên, đa phần những người nói lưu loát tiếng Việt đều là những người Việt thế hệ một-những người đến từ Việt Nam do những hoàn cảnh khác nhau (vượt biển, lưu học sinh, cựu sinh viên, kết hôn...). Vấn đề cần bàn luận ở đây là con em người Việt (cha// mẹ Việt) thế hệ hai, ba sinh ra và lớn lên tại Pháp nhưng không thông thạo tiếng Việt nên cần được quan tâm và chú ý.
3. Góc nhìn của người Pháp đối với tiếng Việt và cộng đồng người Việt Nam tại Marseille
Theo đó, trong suốt bề dày lịch sử, người Pháp và người Việt Nam có mối quan hệ sâu sắc và mật thiết trên các phương diện, chính trị, ngoại giao, văn hóa, kinh tế...đặc biệt là những người Pháp mang hai dòng máu Pháp-Việt (Pháp lai, cha hoặc mẹ là người Pháp) và người Pháp gốc Việt (người có tổ tiên xuất xứ là Việt Nam sau định cư lâu đời ở Pháp) từ thời thuộc địa cho đến nay. Cho nên, những hoạt động văn hóa lễ hội
trong cộng đồng người Việt luôn được sự chú ý và tham dự của những người Pháp có nguồn gốc Việt Nam. Mặc dù không nói được tiếng Việt do trải qua từ nhiều thế hệ trong gia đình, nhưng họ luôn xem người Việt và lễ hội của người Việt Nam như là một hành trình tìm về nguồn cội và nơi đó chính là quê hương trong tiềm thức của họ. Đối với những người bạn Pháp (Pháp gốc, bản xứ)-những người có cảm tình sâu đậm với Việt Nam - họ xem đây là một dân tộc có một bản sắc văn hóa rất độc đáo mà họ cần muốn tìm hiểu và khám phá. Mỗi khi lắng nghe người Việt nói chuyện, họ tưởng chừng đó là tiếng chim hót bởi những thanh âm trầm bổng khác lạ. Tiếng Việt trong suy nghĩ của người Pháp đó là một ngôn ngữ vừa xa lạ nhưng vừa gần gũi, với họ tiếng Việt dù dễ trong chữ viết Latin nhưng rất khó phát âm bởi các thanh dấu “sắc huyền ngang hỏi ngã nặng”.
3.1. Góc nhìn của người Pháp đối với tiếng Việt
Tại Marseille đã từng có một số Hội đoàn mở “lớp dạy tiếng Việt cho người Pháp” như Hội người Việt Nam tại Marseille, Hội les amis du Viet Nam, chùa Trúc Lâm, xa hơn một chút có “lớp học tiếng Việt cho thiếu nhi” của Nhà thờ Sacré-Coeur d’Avignon. Đặc biệt là trường Đại học Aix –Marseille thường xuyên có “khóa tiếng Việt” cho các bạn sinh viên muốn nghiên cứu về Việt Nam học, hơn nữa có trường Đại học Paul Valéry ở Montpellier 3 vừa thành lập “Khoa Văn hóa và Ngôn ngữ Việt Nam” hợp tác cùng trường Đại học quốc gia Hà Nội năm 2019 với Diplôme d’université “Tremplin pour le Vietnam”.
Những người đến học tiếng Việt tại các Hội đoàn, Chùa...với nhiều mục đích khác nhau từ việc yêu mến Việt Nam đến việc muốn tìm hiểu khám phá văn hóa và Phật giáo Việt Nam, ngay cả muốn học tiếng Việt vì có vợ/chồng hoặc người yêu là người Việt Nam. Tác giả, bản thân là một giáo viên tình nguyện đang giảng dạy tiếng Việt cho người Pháp tại chùa Trúc Lâm và tại nhà. Trong quá trình dạy học, có thể nhìn thấy sự khó khăn của người Pháp khi học tiếng Việt, đó là vấn đề về nghe, nói và phát âm. Đối với họ, mặc dù cố gắng đến các cộng đồng người Việt Nam để lắng nghe người Việt nói chuyện nhưng họ vẫn không thể nào bắt kịp câu chuyện. Hoặc khi họ muốn nói chuyện thì khó mà phát âm được tròn vành rõ chữ, ngay cả dù chữ viết Latin nhưng các dấu, thanh điệu cũng làm cho họ bối rối. Điều đó chứng tỏ rằng tiếng Việt không đơn giản. Hơn thế nữa, do cấu trúc âm sắc, ngữ điệu ngôn ngữ của hai dân tộc cũng khác nhau (âm mũi, cổ họng) nên khi một người của nước này học tiếng của một nước khác đòi hỏi phải có nhiều sự kiên trì, nỗ lực rất lớn. Đồng thời người dạy cần phải có kinh nghiệm chuyên môn, kiến thức và phương pháp giảng dạy mới có thể giúp học viên vượt qua được những “thử thách chông gai” trong quá trình học tiếng Việt.
Theo Baoquocte.vn “Giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài là tâm huyết và nhiệm vụ cao cả của những giáo viên người Việt trong suốt những năm qua. Ở mỗi địa bàn, họ lại có những câu chuyện riêng để chia sẻ, góp sức cho công cuộc gìn giữ tiếng mẹ đẻ còn gian nan ở xứ người”.
Thật vậy, ở địa bàn Marseille, việc dạy và học tiếng Việt là cả một vấn đề. Mặc dù là thành phố lớn có cộng đồng người Việt Nam đông thứ hai sau Paris, nhưng để kêu gọi con em thế hệ hai, ba...học tiếng Việt không phải là đơn giản. Tại chùa Trúc Lâm Marseille đã từng mở lớp dạy Tiếng Việt cho các em thiếu nhi, nhưng không thành công. Bởi lẽ do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: “Cha mẹ bận đi làm nên không có thời gian đưa con cái đi học, các con em bận phải học tập ở trường và tham gia các hoạt động ngoại khóa khác, cơ sở khá xa trung tâm thành phố nên không tiện việc đi lại...
Hiện nay, thời đại kỹ thuật số digital 4.0, chỉ cần click chuột là có thể tìm kiếm được tất cả các thông tin. Một số chương trình dạy tiếng Việt online đang được mời gọi. Từ mạng xã hội facebook có “tiếng Việt toàn cầu”, “học tiếng Việt online” dành cho trẻ em tại Pháp. Tiệm sách tiếng Việt tại Paris cung cấp các loại sách tiếng Việt dành cho thiếu nhi và người lớn được giới thiệu trên internet. Kênh youtube có rất nhiều bài học tiếng Việt được đăng tải, chia sẻ bằng nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Pháp được biên soạn bài bản.
Hy vọng rằng, các bậc cha mẹ người Việt ở Pháp nói chung, Marseille nói riêng, nên quan tâm chú ý nhiều hơn về vấn đề học tiếng Việt để cho con em mình được hiểu biết về quê hương nguồn cội.
3.2. Góc nhìn của người Pháp đối với cộng đồng người Việt Nam tại Marseille
Theo vov.vn: “Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp rất đa dạng, có những người đã sinh sống tại Pháp từ hàng trăm, hàng chục năm qua đến những sinh viên, du học sinh mới sang học tập gần đây. Trong con mắt người dân sở tại, cộng đồng người Việt Nam là một cộng đồng tốt đẹp, luôn được đánh giá cao về trí tuệ cũng như chuẩn mực trong cuộc sống”. Theo báo Marseillais:“Sự chào đón luôn rất dễ chịu, bạn chắc chắn sẽ có cơ hội thưởng thức một tách trà nóng và bạn sẽ được mời đến thăm ngôi Chùa”. Philippe Ronce, tác giả của Hướng dẫn về Các trung tâm Phật giáo ở Pháp cho biết: “Đến Pháp vào những năm 1960 với làn sóng nhập cư châu Á, Phật giáo đã được hưởng lợi ở Marseille, một thành phố đa dạng về sắc tộc và tôn giáo, từ một sự chàođón khoan dung hơn so với phần còn lại của đất nước", người Việt là nơi sản sinh ra
Phật giáo lớn nhất ở Marseille. Những người bạn Pháp đánh giá cộng đồng người Việt Nam ở Marseille có những lễ hội văn hóa rất hay, thú vị và ý nghĩa, giàu tính nhân văn. Người Việt Nam ở đây rất dễ thương, tiếp đón rất nồng hậu, thân thiện, mến khách... Thật vậy, chính những hoạt động, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Việt Nam trên đất Pháp tại các Hội đoàn, Chùa chiền, Nhà thờ với những lễ hội đặc sắc, những trang phục áo dài truyền thống, những điệu múa mang nghệ thuật dân gian, những bài hát dân ca hoàn toàn Việt ngữ...thể hiện di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã khẳng định được dân tộc Việt Nam hòa nhập mà không hòa tan. Người Việt Nam đã chứng minh được giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình trên đất khách khiến bạn bè thế giới phải ngưỡng mộ và yêu mến cộng đồng người Việt Nam nhiều hơn.
Kết luận
Tóm lại, bất cứ người nước ngoài nào khi đến nước sở tại đó định cư, ví như người Việt Nam khi đến Pháp sinh sống và lập nghiệp, thì việc phải học tiếng Pháp để hòa nhập vào xã hội Pháp là điều bắt buộc. Nhưng khi “người Pháp muốn học tiếng Việt thì đó là một câu chuyện và đã chạm đến trái tim của người Việt Nam”. Đối với con em người Việt Nam thế hệ hai, ba..,nói giỏi tiếng Pháp là hiển nhiên, nhưng khi “con em chịu khó học tiếng Việt và nói giỏi tiếng Việt mới là điều đáng tự hào”. Cho nên, các cuộc hội thảo, hội nghị, nghiên cứu của các tổ chức hội đoàn ở nước
ngoài, các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu trong nước luôn đề cập đến các đề tài mang tính thời sự cấp thiết và hữu ích như “Đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài, lan tỏa tình yêu quê hương” “Giữ gìn nguồn cội, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” “Công tác dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài”.v.v. Đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam…đã quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển nhằm mong muốn các thế hệ con cháu được sinh ra ở nước ngoài vẫn giữ được ngôn ngữ tiếng Việt và bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam ở hải ngoại. Xin mượn lời 2 bài hát “ Tiếng Việt và Thương ca tiếng Việt” để kết thúc bài viết:
“Tiếng Việt còn trong mọi người, người Việt còn thì còn nước non, giữ tiếng Việt như ngày nào hào hùng xưa mãi vọng ngàn sau. Tiếng Việt còn trong mọi người, hồn Việt mình còn nguyên vẹn tròn, giữ tiếng Việt cho nối đời, lời quê hương ấy lời sắc son”... [Thương ca tiếng Việt].
“Tiếng Việt tiếng nước tôi. Là ầu ơ Mẹ ru thuở nằm nôi. Là đồng lúa bạt ngàn sinh sôi. Là hồn thiêng sông núi ngàn năm.......Tiếng Việt mấy ngàn năm. Thương biết mấy là hồn Việt Nam!. Còn hoài trong máu trong tim, trong lòng. Dù gần dù xa, Người Việt......Nhẹ nhàng dịu dàng sâu lắng Tiếng Việt. Hào hùng mạnh mẽ làm sao, Hồn Việt. Ngọt ngào thanh âm trầm bổng. Tiếng nước tôi. Tình yêu đất nước đậm sâu, bản sắc người Việt”. [Tiếng Việt].
Marseille, ngày 31/12/2021
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nhà sử học Liêm Khê Luguern, luận án tiến sỹ 2014, Les « Travailleurs indochinois » : Etude socio-historique d’une immigration coloniale (T Etude so « Lính thsocio-historique d’une immigration coloniale9-les-travailleurs-indochinoi), NXB Les Indes Savantes (Pháp), 06/2021.
2. Journée d’études 2019: Asiatique et Provensaux. Regards croisés (Aix-Marseille Université). Asie en Provence: Patrimoines et mémoires (Présidence: Nguyen Phuong Ngoc ArAsia, directrice).
3. PGS.TS Nguyễn Văn Chính, theo Tiasang, bài viết “Công dân toàn cầu và câu chuyện bản sắc văn hóa” tháng 2/2019.
4. TS. Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Theo Tạp chí Dân tộc :“Tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc” tháng 8/2013.
5. Các chương trình “Ngày trở về” trên đài truyền hình VTV4. 2014/2016…
Bài viết đã đăng trong sách "Nghiên cứu giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt năm 2021", do Trường ĐH KHXH & NV Tp. Hồ Chí Minh phát hành. Đăng tải lại dưới sự đồng ý của tác giả.
Nguyên Phó Trưởng ban phát triển doanh nghiệp CLB Doanh nhân Khánh Hòa Sài Gòn.
Nguyên Phó Trưởng Khoa Nhật Bản học
Trưởng phòng HTQT và phát triển Dự án quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh.
Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh.
Cố vấn...