Một số quy định về tổ chức và khai thác yến sào dưới thời nhà Nguyễn

Thứ ba - 02/07/2024 19:11
Yến sào là một sản phẩm quý giá của tỉnh Quảng Nam nói riêng, xứ Đàng Trong nói chung trước đây. Theo các tư liệu lịch sử cho biết, yến sào được dành riêng cho nhà vua và hoàng tộc, ngoài ra yến sào được dùng để bán cho các nước. Nhận thức được giá trị của tổ yến, ngay từ sớm các triều đại phong kiến Việt Nam đã đặt ra những quy định chặt chẽ trong tổ chức và khai thác yến sào ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa và Hà Tiên... đặc biệt được quy định chặt chẽ dưới thời các vua triều Nguyễn. Và việc tổ chức và khai thác do người Quảng Nam đảm nhận, đó là những người tộc Hồ làng Thanh Châu ở Hội An.
Chim yến Hàng Germani làm tổ trên vách đá hoa cương đảo yến thiên nhiên có giá trị dinh dưỡng cao (Nguồn: Yến sào Khánh Hòa)
Chim yến Hàng Germani làm tổ trên vách đá hoa cương đảo yến thiên nhiên có giá trị dinh dưỡng cao (Nguồn: Yến sào Khánh Hòa)

 

          Vào đời vua Gia Long năm thứ 4 (1805), vua ra lệnh cho tỉnh Quảng Nam lập một đội lấy tổ yến. Chuẩn y lời bàn nghị, tỉnh Quảng Nam dồn những người dân ngoại tịch về lập làm đội lấy tổ yến, mỗi người cả năm nộp số yến sào là 8 lạng, nhưng được miễn sưu, dịch.

          Đến Gia Long năm thứ 6 (1807), vua ra sắc lệnh: Các đảo và núi đá có yến ở ngoài biển, đều nghiêm cấm không được tự tiện lấy; năm nào có người làm đơn xin lĩnh trưng 1 năm, hoặc xin lĩnh trưng ở đảo nào mà chịu thuế, thì quan trấn thành ấy cấp bằng cho lấy, tới kỳ thuế, chiếu lệ trưng thu đúng số đem nộp; nếu người nào không có bằng mà tự tiện đi lấy thì bị tội nặng.

          Năm Gia Long thứ 17 (1818), tỉnh Quảng Nam trình lên nhà vua: “Hồ Văn Hòa đã trình bản thỉnh cầu ghi rằng đội lấy yến của ông hiện gồm 10 người, nhưng có thể nhận thêm 18 người không đăng ký mới, và xin thành lập từ đây hai đội để thu hoạch tổ yến trong tỉnh”. Đến Gia Long năm thứ 18 (1819), vua chuẩn y lời tâu: Hồ Văn Hòa được phép thành lập hai đội lấy yến, hàng năm lĩnh mua ở trấn Bình Hòa, cả năm nộp thuế yến 4 cân, cộng 100 lạng; số quân của đội 38 người, mỗi người theo lệ dâng nộp 8 lạng.

           Vào  đời vua Minh Mạng thứ 1 (1820), vua Minh Mạng đổi Thanh Châu yến sào đội thành Thanh Châu yến hộ, cho ông Hồ Văn Hòa làm hộ trưởng. Đến Minh Mạng năm thứ 2 (1821), vua chuẩn y lời tâu: Cho hộ lấy yến là Hồ Văn Hòa, nguyên lập đội yến hộ có số quân 38 người theo lệ phải nộp thuế yến, cho miễn thuế thân, tiền dây chuỗi và miễn sai phái tạp dịch. Nếu không đủ 10 người thì không được trừ, ghi rõ thành lệ.

          Minh Mạng năm thứ 6 (1825), vua có Chỉ: Dân ngoại tịch 10 người trở lên, lập làm hộ lấy yến Bình Hòa, cả năm mỗi người nộp thuế yến 8 lạng, nhưng cho Hồ Văn Hòa đứng quản suất, như không đủ 10 người, cũng nộp thuế yến đủ số 5 cân, bắt đầu từ Minh Mạng năm thứ 7; còn thuế yến trước phải đóng ở đội Bình Hòa 4 cân, thì miễn trừ cho mãi; từ nay về sau thêm số bao nhiêu, cũng chiếu lệ 8 cân đưa nộp. Lại có Chỉ: Từ nay phàm hộ lấy yến ở các trấn đưa nộp thuế tổ yến, cho đều chiếu số cân lạng đưa nộp, chia làm 3 thành, trong đó hạng nhất một  thành, hạng nhì một thành, hạng 3 một thành, ghi làm điều lệ lâu dài.

          Minh Mạng năm thứ 9 (1828), vua ra sắc lệnh cho tỉnh Bình Định về việc trưng thu yến và về quy chế các đội đi tìm tổ yến và giao cho ông Hồ Văn Hòa làm Giám thị và đại diện trả thuế các lợi tức khai thác.

         Minh Mạng năm thứ 15 (1834), vua ra lệnh cho các người thu hoạch không ràng buộc với nhà nước bằng thứ thuế 10 lượng tổ yến đối với các tỉnh Khánh Hòa và Bình Định. Các quan địa phương lo thu nhập tổ yến ấn định cho các đội yến hộ, ông Hồ Văn Hòa là người cai quản tất cả các yến hộ.

         Minh Mạng năm thứ 18 (1837), vua chuẩn y lời bàn: Thuế hộ lấy yến ở Quảng Nam, còn thừa hạng xấu, chiếu lệ cấp cho mỗi cân tiền là 20 quan, thứ ngấm đen lẫn cả lông, cũng chiếu đó chiết đi một nửa, mỗi cân trả tiền 10 quan.

          Minh Mạng năm thứ 20 (1839), vua ra lệnh cho ông Trần Văn Chung thuộc làng Hà Châu tỉnh Hà Tiên chiêu mộ 15 người, trong số dân không đăng ký để thu hoạch tổ yến, các quy định bắt buộc được thiết lập theo chế độ áp dụng cho yến hộ ở Quảng Nam. Lại chuẩn y lời bàn: Hộ lấy yến ở Quảng Nam nộp thuế yến, thừa ra 3 cân, châm chước định thêm giá vào làm 3 hạng, hạng tốt mỗi cân tiền 40 quan, hạng xấu mỗi cân tiền 20 quan, hạng ngấm đen mỗi lạng tiền 10 quan, nhưng do tỉnh ấy cấp phát.

        Vào đời vua Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), vua chuẩn y lời bàn: Hộ lấy yến tỉnh Quảng Nam là Hồ Văn Hòa đưa nộp thuế yến năm nay, trong đó có thừa ra về 3 hạng là 6 lạng và bán nộp hạng xấu 7 cân, hạng ngấm đen 1 cân 2 lạng, nên liệu cấp thêm về hạng 3, mỗi cân giá tiền 50 quan, hạng xấu mỗi cân tiền 30 quan, hạng ngấm đen mỗi cân tiền 15 quan, do tỉnh ấy chi xuất tiền kho cấp trả; từ này về sau, cũng chiếu lệ ấy cấp phát. Lại chiếu số người hiện ngạch ở hộ lấy yến ấy là 110 người, mỗi người cả năm nộp thuế yến 10 lạng; nhưng sức cho Hồ Văn Hòa hết lòng chiêu mộ lậu dân từ Quảng Nam đến Khánh Hòa các tỉnh, sung làm hộ lấy yến, nộp thuế theo lệ.

          Đồng Khánh năm thứ 1 (1885) vua ra sắc lệnh cho phép Hồ Văn Phú giữ chức trưng thu khai thác trong vòng 3 năm với tiền thưởng công hàng năm là 10.125 quan tiền lợi tức. Vào năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), việc khai thác yến ở Quảng Nam và Bình Định gồm có Hồ Văn Phú, Hồ Văn Tân (cháu Hồ Văn Hòa), Đào Tịnh Viên (người Bình Định) và Hứa Xáng Ký (người Trung Hoa ở Quảng Nam). Sau Hứa Xáng Ký được độc quyền khai thác, trung bình hàng năm nộp 16.000 quan tiền lợi tức.

         Đến vua Thành Thái năm thứ 4 (1892), Hồ Văn Phú và Hồ Văn Khai (cháu Hồ Văn Hòa) lại trở thành người trưng thu khai thác của cả 3 tỉnh Bình Định, Khánh Hòa và Quảng Nam. Từ đó việc khai thác yến và thu thuế ủy thác cho Tòa Khâm sứ Quảng Nam.

          Sau đó, từ vua Khải Định thứ 5 (1920) đến năm 1930, việc trưng thu và nhận thuế trưng thu hàng năm tổ chức vào tháng 4 âm lịch, với số lượng 10kg tổ yến để nộp cho Tòa Khâm sứ và triều đình. Trong đó, các gia đình Trung Hoa được độc quyền cho trưng tổ yến ở Trung Kỳ.

          Có thể nói, dưới thời các vua triều Nguyễn, việc tổ chức, khai thác tổ yến được các vua nhà Nguyễn quy định chặt chẽ, và những người Quảng Nam đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác và trưng thu tổ yến, trong đó đảm nhận chính là những người thuộc các tộc họ ở làng Thanh Châu, Hội An.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tác giả bài viết: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: hoianheritage.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Nguyễn Thu Hương

Nguyên Phó Trưởng ban phát triển doanh nghiệp CLB Doanh nhân Khánh Hòa Sài Gòn.  Nguyên Phó Trưởng Khoa Nhật Bản học Trưởng phòng HTQT và phát triển Dự án quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Cố vấn...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây