ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN HỌC TRUNG CỔ NHẬT BẢN:
Danh từ trung cổ dùng để chỉ giai đoạn ngót nghét bốn thế kỷ từ khi vương triều Nhật Bản thiên đô về Hei- an kyô (năm Diên Lịch, Enryaku 13 hay 794) cho đến khi mạc phủ Kamakura được thiết lập (Kiến Cữu, Kenkyuu 3 tức 1192). Những người đóng vai trò chủ yếu trong nền văn học trung cổ thời Heian này không ai khác hơn là quí tộc triều đình Hei- an quây quần chung quanh dòng họ Fujiwara (Đằng Nguyên) nắm quyền bính thời bấy giờ.
Cuối thời Nara, chính trị đâm vào chỗ bế tắc cho nên việc thiên đô từ Nara về Hei- an (Kyôto) có mục đích xây dựng lại một trật tự chính trị và pháp độ mới. Trước hết là mô phỏng Trung Quốc từ việc kiến trúc đô thành sau đến việc tiếp thu nghi thức của nhà Đường.Thơ văn chữ Hán trở thành văn học cửa công, đồng nghĩa với sinh hoạt cung đình. Thơ quốc âm Waka bị đẩy lui vào bóng tối, chỉ được dùng trong chỗ riêng tư. Đó là thời điểm vương triều xuống sắc chỉ biên soạn ba thi tập chữ Hán, nổi tiếng nhất là Ryôun- shuu (Lăng Vân Tập).
A) Sự phục hồi văn chương quốc âm:
Tuy nhiên, từ hậu bán thế kỷ thứ 9, trong tầng lớp quí tộc đã chớm thấy khuynh hướng suy nghĩ độc lập và ý thức muốn thoát khỏi ảnh hưởng nhà Đường. Cùng lúc với sự sáng chế ra chữ kana (giả danh) để ghi các âm tiết , thơ quốc âm đã hưng thịnh trở lại để trở thành một thể loại văn chương có thể đối đầu với Hán văn. Thơ Waka viết bằng kana đã phát triển theo một đường lối riêng và các kỹ thuật như engo[1] (duyên ngữ) và kakekotoba[2] (quải từ) đã đem đến cho nó một sức sống mới.Các nhà quí tộc đã tụ tập nhau tổ chức những buổi xướng họa thi tài (ca hợp hay uta- awase). Rốt cục đến đầu thế kỷ thứ 10, có sắc chiếu của thiên hoàng ra lệnh biên soạn “Tập thơ Waka Từ Xưa Đến Nay” Kokin Waka- shuu (Cổ kim Hòa ca tập) và từ đó thơ quốc âm được nâng cao.
Một khi kana đã được dùng rộng rãi trong đời sống hằng ngày rồi thì tự nhiên tản văn kana cũng phát triển theo và dưới nhiều dạng thức khác nhau.
Văn chương với hình thức hư cấu dựa trên những truyền thuyết dân gian nhờ thế đã ra đời. Đó là thể loại truyện hư cấu (tsukuri banashi). Ngoài ra, loại truyện diễn ca (uta monogatari) xuất phát từ thế giới quí tộc cung đình và mang tính cách trữ tình đặc biệt của thế giới đó cũng được viết lại bằng tản văn. Về thể loại thứ nhất, ta có thể kể đến những tác phẩm như “Truyện ông già đốn trúc” (Taketori monogatari, Trúc thủ vật ngữ), “Truyện bộng cây” (Utsuho monogatari, Vũ tân bảo vật ngữ), “Truyện hầm nhà” (Ochikubo monogatari, Lạc oa vật ngữ)… thường nói về những kẻ gặp khốn khó hay bị ngược đãi phải sống trong bộng cây hay dưới hầm nhà nhưng sau nhờ có tài hay có sắc mà tìm được hạnh phúc. Loại thứ hai gồm những tác phẩm như “Truyện ở Ise” (Ise monogatari, Y Thế vật ngữ), “Truyện vùng Yamato” (Yamato monogatari, Đại Hòa vật ngữ) hay “Truyện chàng Heichuu” (Heichuu monogatari, Bình Trung vật ngữ) là những truyện phiêu lưu tình cảm và nhục cảm.
Bên cạnh nó, ta thấy văn học chính thức với thể văn ghi chép những sự việc bằng Hán văn mang tên là thể nikki (nhật ký) cũng bắt đầu sử dụng chữ kana. Đầu tiên là “Nhật ký Tosa” Tosa nikki (Thổ Tá nhật ký), ghi chép chuyến đi từ địa phương về triều của một vị quan nhưng đã bộc lộ những nghiền ngẫm có tính cách nội tâm. Chính phương pháp biểu hiện bằng tản văn của Tosa nikki đã khơi mào cho nền văn học nhật ký của giới nữ lưu về sau.
B) Vai trò của nữ giới trong văn học:
Trong suốt thời gian từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 11, lúc chính trị Nhật Bản nằm trong tay chức sắc Sesshô[3] (Nhiếp chính) và Kanpaku (Quan bạch) [4] (thời gọi là Nhiếp Quan chính trị), giới phụ nữ mới là những người đã đóng góp rất nhiều cho văn học kana tuy tên tuổi của họ nhiều khi không truyền lại tới đời sau. Người mẹ của Fujiwara Michitsuna (Đằng Nguyên, Đạo Cương) (không ai rõ tên) vì muốn phê bình tính hư cấu của văn học monogatari (văn học truyện kể) nên đã viết tác phẩm “Truyện Kiếp Phù Du” Kagerô monogatari (Tinh Đình[5] vật ngữ) để qua đó, bày tỏ quan điểm chuộng sự trung thực và sự tự do biểu lộ tình cảm trong lối viết truyện của mình. Cách viết của bà đã ảnh hưởng rất nhiều đến những tác giả nữ giới về sau và ta đã thấy nó qua các tác phẩm như “Nhật ký bà Izumi Shikibu” Izumi Shikibu nikki (Hòa Tuyền Thức Bộ nhật ký), “Nhật ký bà Murasaki Shikibu” Murasaki Shikibu nikki (Tử Thức Bộ nhật ký), “Nhật Ký thời ở Sarashina” Sarashina nikki (Cánh Cấp nhật ký). Trong tác phẩm của các cây viết lúc ấy còn có Truyện Genji tức Genji monogatari (Nguyên Thị vật ngữ) và Sách gối đầu tức Makura no sôshi (Chẩm thảo tử). Khỏi phải nói, tác phẩm lừng danh Truyện Genji là thành quả tột bậc của văn chương nữ giới. Qua nó, người ta thấy có thể chỉ sử dụng hư cấu cũng có thể tìm hiểu đến ngọn ngành tâm lý thực sự của con người. Bên cạnh Genji monogatari, Makura no sôshi (Chẩm thảo tử) là tập tùy bút (zuihitsu, thể loại văn học mới của thời đó) tinh tế và trau chuốt, vẻ lại được thế giới mỹ quan với bối cảnh là sinh hoạt cung đình.
Sau khi đạt được đỉnh cao là Truyện Genji, ta sẽ thấy văn học truyện kể monogatari dần dần suy thoái.Tuy hãy có những trường thiên như “Nửa đêm thức giấc” Yoru no Nezame (Dạ bán Tẩm Giác), Truyện quan tham nghị Hamamatsu” Hamamatsu Chuunagon monogatari (Tân Tùng Trung Nạp Ngôn vật ngữ), “Truyện tướng Sagoromo” Sagoromo monogatari (Hiệp Y vật ngữ) hay đoản thiên như “Truyện do quan tham nghị “bờ đê” Tsutsumi góp nhặt” Tsutsumi Chuunagon monogatari (Đê Trung Nạp Ngôn vật ngữ) nhưng không tác phẩm nào có thể so sánh nổi với Truyện Genji.
TRUYỆN GENJI (GENJI MONOGATARI):
Truyện Genji vừa chịu ảnh hưởng của truyện hoang đường, truyện thơ, lại hấp thụ truyền thống của waka và thể văn nikki (nhật ký), đã xây dựng nên một thế giới hư cấu tráng lệ, được xem như tác phẩm tiêu biểu của văn học Nhật Bản mọi thời cũng như truyện Kiều ở Việt Nam và kịch Shakespeare ở Anh.Tác giả của truyện không sử dụng hư cấu như hư cấu mông lung mà dựa vào hư cấu để biểu hiện được một cách sắc bén chân tướng người đời.Từ khi có Truyện Genji, giá trị của truyện kể đã tiến vọt một bước rất xa.
Truyện Genji nổi tiếng đến nỗi học sinh tiểu học ở Nhật cũng biết nhưng thực ra có mấy ai đọc nổi nguyên tác. Phần lớn độc giả phải thông qua những bản dịch thành kim văn. Cái khó khi đọc Truyện Genji bản cổ (bản chính ra đời khoảng năm 1008- 1010[6] đã mất, bản mà ta còn biết ngày nay là bản thời Kamakura tức 200 năm sau) là những chủ từ, túc từ dùng trong câu không rõ ràng nên người đọc không nắm được ai làm gì cho ai. Ngoài ra, tiếng tôn kính và khiêm xưng lại đầy dẫy khiến người hiện đại như lạc vào một mê hồn trận.
A) Murasaki Shikibu (Tử, Thức Bộ), người viết Truyện Genji:
Trước hết, phải tìm hiểu Murasaki Shikibu hay Tô- Shikibu, tác giả của Truyện Genji là ai. Sử không chép bà sinh mất vào năm nào nhưng có thể suy định giữa khoảng 970 và1014. Bà là con gái của Fujiwara Tametoki (Đằng Nguyên, Vi Thì), một chức quan trấn thủ địa phương. Tên Shikibu[7] (Thức Bộ) của bà có lẽ do việc cha bà có lần làm chức Shikibu no Jô (Thức Bộ Thừa). Hai họ nội ngoại của bà được xem như thuộc chi phía bắc của nhà Fujiwara, một đại quí tộc Nhật Bản thời trung cổ, nên còn được gọi là Tô Shikibu (Tô tức là Fuji, gọi tắt chữ Fujiwara). Gia đình bà vốn có nếp văn chương. Tằng tổ phụ Kanesuke (Kiêm Phụ) quen gọi là “ quan tham nghị ở bờ đê” tức Tsutsumi Chuunagon, thi nhân waka nổi tiếng. Cha bà, Tametoki, cũng là một học giả Hán văn, từng dạy học thiên hoàng Kazan (Hoa Sơn) lúc còn là thái tử. Ông Tametoki còn thiện nghệ về thơ chữ Hán và thơ quốc âm. Mẹ mất sớm lúc bà lên 4, nhờ có cha chăm lo nên tuy là nhi nữ nhưng bà có học vấn sâu rộng. Tametoki, thường than “Con bé nầy không sinh ra làm trai, đó là điều đáng tiếc” , nhất là sau khi hai người chị và em của bà cũng chết yểu. Ảnh hưởng của cha trên bà rất lớn nên bà có sức quan sát bén nhạy vừa từ tư thế phụ nữ lại vừa từ tư thế nam nhi và điều đó đã chứng tỏ trong Truyện Genji.
Bà lấy chồng trễ, năm đã 29. Làm vợ Fujiwara Nobutaka (Đằng Nguyên, Tuyên Hiếu) một người lớn hơn mình 17 tuổi, đã có nhiều vợ rồi, có lẽ là một ông bạn của cha mà hôn nhân cũng do cha dàn xếp, nên khó nói là bà hạnh phúc trong tình yêu[8]. Thêm cái khổ là mới được hơn 4 năm, chồng chết, để lại bà và con thơ mới lên ba là Kenshi (Hiền Tử, tức nữ thi nhân Daini no Sammi hay Đại Nhị Tam Vị, tên gọi theo chức có lẽ là tập ấm). Hình như bà viết Truyện Genji (bắt đầu khoảng năm 1001) để cho qua kiếp sống cô quả đơn chiếc. Năm 1005, nghe tiếng tăm của bà, thiên hoàng (thứ 66) Ichijô (Nhất Điều) vời vào cung hầu hoàng hậu[9] là Chuuguu Shôshi (Trung Cung[10] Chương Tử, 988- 1074, con gái quyền thần Fujiwara Michinaga tức Đằng Nguyên, Đạo Trường).Trong cung, bà thuộc vào lớp nyobô (nữ phòng) tức “ nữ quan có phòng riêng” , được đãi ngộ như một nữ học sĩ.[11] Trong lúc ở trong cung, bà ghi chép những điều nghe thấy thành tập Murasaki Shikibu nikki (Tử Thức Bộ nhật ký, ra đời khoảng năm 1010). Hình như sau khi vào cung, bà vẫn viết tiếp Truyện Genji, vốn được lưu hành một phần rồi và đã có tiếng vang rất lớn. Năm 1013, bà từ chức và mất sau đó không bao lâu (1014 ?) nghĩa là mới khoảng 44 tuổi.
Cuộc sống cung đình là nền tảng cho cấu trúc của truyện Genji. Có thể bảo sự lục đục giữa hai bà hoàng hậu Teishi (Định Tử, còn đọc là Sadako) và Shôshi (Chương Tử, Akiko) thông qua thân tộc của họ (nhà bác và nhà chú họ Fujiwara) cũng giống như việc chính phi Kokiden ghen tuông với Kiritsubo, mẹ Genji, xảy ra trong truyện. Murasaki Shikubu có lẽ đã dùng Murasaki no Ue, người vợ yêu của Genji, để trình bày về chính bản thân (cùng tên Murasaki). Riêng Genji thì không có người mẫu vì chàng là một nhân vật lý tưởng, có lần Shikibu đã nói “ khắp triều nội không có lấy được một người như Genji” .
B) Nội dung Truyện Genji:
Truyện Genji là một trường biên gồm 54 thiếp [12](hay thếp, jô) (theo René Sieffert, tương đương với 2000 trang giấy bây giờ) đoạn đầu kể lại cuộc đời của “ông hoàng ánh sáng” Hikaru Genji [13] (Quang, Nguyên Thị), đoạn sau, kể về thời trẻ của “ông hoàng thơm tho” Kaoru (Huân)[14], con trai chàng. William Puette cho rằng Truyện Genji dài gấp đôi Chiến Tranh và Hòa Bình của Tolstoi và thường được so sánh với Đi Tìm Thời Gian Đã Mất, A la recherche du temps perdu) của Marcel Proust hơn là với các tác phẩm khác của thời Heian. Đoạn đầu có thể tách làm hai, nên cộng tất cả thành ba phần
- Phần thứ nhất (từ chương 1 nhan đề Kiritsubo đến chương 33 nhan đề Fuji- no- Uraba):
Các chương nầy kể truyện đời nhân vật chính, Hikaru (Quang) từ lúc chàng sinh ra, những nghịch cảnh gặp phải cũng như các cuộc phiêu lưu tình ái của chàng, cho đến lúc đạt được danh vọng cực điểm là làm Jun- daijô Tennô (Chuẩn Thái Thượng Thiên Hoàng), tức là người cha không chính thức của thiên hoàng Reizei (Lãnh Tuyền) vì chàng là tình nhân của mẫu hậu Fujitsubo và thực sự là bố đẻ.
Hikaru vốn là con của hoàng đế Kiritsubo[15] (Đồng Hồ), mặt đẹp như ngọc, tư chất thông minh dĩnh ngộ. Vì mẹ chàng chỉ là cung tần ( chức Kôi = Cánh Y), vì sinh trong gia đình thấp hèn, do đó Hikaru bị đổi thành họ Genji [16](Nguyên thị) làm phận thần hạ, theo tập tục thông thường đương thời. Sau khi mẹ chàng buồn khổ vì chính phi Kokiden (mẹ của Đệ Nhất Hoàng Tử) và các phi tần cung nữ đố kỵ hành hạ phải bỏ về quê lúc Hikari mới lên 3 và mất, hoàng đế Kiritsubo có thêm một hoàng phi tên Fujitsubo[17] (Đằng Hồ, lúc đó 22 khi Genji 16 tuổi), con gái một tiên vương, người có khuôn mặt giống mẹ chàng. Hikaru kết hôn năm 12 tuổi với công nương Aoi no Ue xinh đẹp, lớn hơn chàng 4 tuổi, nhưng lại yêu “bà mẹ kế” Fujitsubo với mối tình tội lỗi. Năm Hikaru18, Fujitsubo có mang và sinh cho chàng một người con trai, sau sẽ là thiên hoàng Reizei. Hikaru lại có một mối tình với cháu của nàng Fujitsubo là Murasaki- no- Ue (Tử Thượng), một người con gái mồ côi mà chàng đã chính tay nuôi dạy từ tấm bé. Sau đó chàng còn có những mối tình với các nàng Yuugao (Tịch Nhan), Akashi- no- Ue (Minh Thạch Thượng, sau là vợ chàng), tuy nhiên cũng có lần bị nàng Sumarudaku (Tu Ma Lưu Đích) và Tamakazura (Ngọc Mạn) cho rơi. Dù mất nhiều thời giờ cho chuyện tình ái nhưng lần hồi, chàng cũng đạt được đỉnh cao của quyền lực và danh vọng khi được ông anh khác mẹ là thiên hoàng Suzaku (Chu Tước) gọi từ chỗ lưu đày về triều.
Về tuổi tác các nhân vật:
Khi Hikaru Genji 17 tuổi thì Aoi- no- Ue 21, Murasaki no Ue mới lên 9, Fujitsubo 22, Rokujô 24, tiểu thư Akashi no Ue (vợ Genji cưới lúc đi đày) lên 8.
Thứ tự các chương[18]:
1: Kiritsubo (Sân Ngô Đồng) thời điểm Hikaru Genji sinh ra đến năm 12 tuối. Nhân vật chính: Kiritsubo- kôi, người mẹ xấu số, bị các phi tần ghen ghét vì được thiên hoàng sủng ái, sinh hạ hoàng nam Genji. Mẹ chết, Genji cưới nàng Aoi no Ue, con gái viên quan Tả Đại Thần.
2: Hahakigi (Cây Kim Tước Chi) Mùa hè năm Genj 17 tuổi, xảy ra cuộc bàn luận về phụ nữ giữa bốn người bạn trai , trong đó có Tô no Chuujô, anh vợ của Genji và chàng.
3: Utsusemi (Xác Ve): nói về một mệnh phụ sau một đêm ân ái lại hờ hững với Genji, đã trốn đi như con ve sầu thoát xác và để cho Nokiba no Ogi, cô con gái của chồng, vào thế chỗ.
4: Yuugao ( Cúc Chiều): Yuugao là tên người con gái dịu hiền nhưng u sầu và vắn số, Genji gặp lúc đến thăm bệnh người nhủ mẫu.
5: Waka Murasaki (Hoa Tím Non): cô bé con 10 tuổi , cháu mồ côi của Fujitsubo, giống hệt nàng, được Genji đem về nuôi dạy, sau thành vợ chàng.
6: Suetsumu Hana ( Hoa Đỏ): Năm Genji 18 tuổi. Quen biết thoáng qua với người con gái chơi đàn cầm, một công nương mồ côi, kém nhan sắc vì có cái “ mũi đỏ” (Chữ hana có hai nghĩa: hoa và mũi).
7: Momiji no ga (Thăm cảnh lá hồng) Hoàng hậu Fujitsubo sinh hạ hoàng nam, kết quả mối tình tội lỗi giữa nàng với Genji.
8: Hana no en (Tiệc thưởng hoa) Thời điểm Genji 19 tuổi. Chàng bất cẩn tiến tới với nàng Oborozukiyo tức Đêm Trăng Mờ, em gái kẻ thù của mẹ chàng và vợ tương lai của Đông Cung.
9) Aoi (Hoa Quì) Năm Genji 22 và 23 tuổi. Rokujô, người yêu cũ và lớn tuổi, nhân tranh cho xe đi trước, đánh ghen với Aoi, vợ chàng. Aoi sinh cho Genji cậu con trai Yuugiri (Sương Chiều) nhưng chẳng bao lâu nàng chết.
10: Sakaki (Cây Thiêng): Genji 23- 25 tuổi. Hoàng đế Kiritsubo băng hà và nàng Fujitsubo đi tu. Genji bị bắt quả tang khi đeo đuổi Oborozukiyo, Đêm Trăng Mờ, hiện là vợ thiên hoàng Suzaku, anh khác mẹ của chàng.
11: Hanachiru Sato (Làng Hoa Rụng): Genji đến xóm quê thăm cựu hoàng phi Reikeiden và em bà là Phu Nhân Hoa Quýt (Tachibana).
12: Suma (Bờ biển Suma) Genji 26- 27 tuổi.Bị đi đày ở Suma dưới áp lực của thái hậu Kokiden, mẹ của thiên hoàng đương nhiệm.
13: Akashi (Hòn Đá Sáng): Mối tình với tiểu thư con quan trấn thủ ở vùng Akashi không làm Genji quên được kinh đô và cô vợ mới, Murasaki, người con gái lý tưởng mà chàng nuôi dưỡng từ bé.
14: Miotsukushi (Cái phao trôi nổi) Genji 28- 29 tuổi. Tiểu thư Akashi sinh con cho chàng nơi đất khách.
15: Yomogiu (Cánh cỏ bồng) [19]Genji 28- 29 tuổi. Chàng ghé thăm công nương Hoa Đỏ (đã xuất hiện trong chương 6) , nay đã sa sút, vẫn chờ đợi chàng.
16) Sekiya (Nhà trên cửa ải) Genji gặp lại Utsusemi, con ve sầu thoát xác, trong cảnh chồng chết, đi tu.
17: E- awase (Thi vẽ tranh) Người con gái của Rokujô, được Genji bảo trợ, thi vẽ tranh để mong trở thành vương phi của con trai chàng.
18: Matsukaze (Gió Tùng) Genji gặp lại Murasaki- no- Ue, người vợ xa cách đã lâu, ở biệt thự Gió Tùng, chỗ chàng ẩn dật.
19: Usugumo (Chòm Mây Thưa) Genji 31- 32 tuổi. Fujitsubo chết, 37 tuổi. Thiên hoàng Reizei (con giữa Genji và bà này) muốn nhường ngôi cho người cha không chính thức nhưng Genji từ chối.
20: Asagao (Hoa Bìm) Genji lại đeo đuổi công chúa Asagao, cô em họ. 21: Otome (Cô Thiếu Nữ) Genji 33- 35 tuổi.Yuugiri, con trai Genji, 12 tuổi, bắt đầu biết ve vãn các cô gái mới lớn.
22: Tamakazura (Mái Tóc Đẹp): Genji đón Tamakazura, con gái của Yuugao (chương 4) về nuôi.
23: Hatsune (Tiếng Đầu Tiên) Năm mới, Genji gặp lại hai người xưa, Suetsuhana và Utsusemi, ôn chuyện cũ.
24: Kochô (Bướm) Genji 36 tuổi. Ông tỏ tình với Tamakazura, cô con gái nuôi, nhưng bị nàng từ chối.
25: Hotaru (Đom đóm): Hoàng tử Sochi, anh của Genji, bắt đom đóm cho Tamakazura để làm vui lòng nàng. Genji đi thăm “Phu nhân hoa quýt” (Tachibana), người yêu đứng tuổi sống trong một làng quê.
26: Tokonatsu (Hoa Cẩm Chướng Dại) Genji bàn luận về đàn koto với Tamakazura. Hoa cẩm chướng dại là để ví với nàng.
27: Kagaribi (Lửa Tuần Đêm) Genji đến thăm Tamakazura, làm thơ ví tình cảm nồng nàn của mình như ngọn lửa.
28: Nowaki (Cơn bão) Cơn bão nổi dậy trong một buổi tiếp tân của hoàng hậu Akikonomu, vợ thiên hoàng Reizei.
29: Miyuki (Cuộc Ngự Du) Genji thổ lộ tông tích của Tamakazura cho Tô- no- Chujô, anh vợ của ông và cha ruột của nàng.
30: Fujibakama (Chiếc Quần Màu Hoa Tím) (Fujibakama cũng là tên một loại cây). Tamakazura bối rối trước những bức thư tỏ tình với nàng của các bậc vương tôn công tử.
31: Makibashira (Cột cây trắc bá) Genji 37- 38 tuổi. Tamakazura lấy chồng, tướng Higekuro (Hắc Tì, Râu Đen), một nhân vật quan trọng trong triều nhưng đã có vợ con và vợ lại bị bệnh điên. Trắc bá tượng trưng cho tang tóc.
32 Umagae (Cành Mơ) Genji 39 tuổi. Nhân một cuộc thi pha hương thơm, công chúa Asagao có gửi mẫu hương treo trên một cành mơ đến dự thi. Genji bắt đầu cho chép sách để lại cho con gái.
33: Fuji no Uraba (Lá Tử Đằng) Genji cùng Murasakino Ue, vợ ông, ngồi ôn chuyện cũ.
- Phần thứ hai (từ chương 34 tức Wakanano Ue (Nhược Thái Thượng Rau Non, phần đầu ) đến chương 41 Maboroshi (Huyễn). Về tuổi tác nhân vật giai đoạn nầy thì lúc Genji 40, Yuugiri đã 19, Tamakazura 26, Kashiwagi 24 và Onna San 14 tuổi.
Đạt được quang vinh rồi, chàng Hikaru Genji bắt đầu nếm những nỗi gian truân.Về già, chàng đâm ra hối hận về những lầm lẫn trong quá khứ. Từ khi chàng được vua gả công chúa Onna San- no- Miya (Nữ Tam Cung, có nơi đọc là Nyô- san) cho vào năm 40 tuổi thì cuộc đời đẹp đẽ được tả lại trong phần thứ nhất của truyện bắt đầu để lộ ra nhiều vấn đề. Một mối tình tội lỗi giống như mối tình giữa chàng với bà dì Fujitsubo lại tái hiện nhưng chàng không có dự phần. Đó là cuộc ái ân vụng trộm của người vợ chàng cưới lúc nàng 14 tuổi, công chúa Onna san- no- Miya nói trên, với một nhân vật nam tên Kashiwagi, con trai của chính Tô no Chuujô, bạn chàng. Công chúa sinh đứa bé trai tên Kaoru (Huân, Hương Thơm), kết quả của mối tình vụng trộm ấy. Kashiwagi hối hận, lâm bệnh mà mất. Nàng Murasaki no Ue lại qua đời vào thời điểm này làm cho Genji Hikari càng sầu muộn thêm, bỏ đi tu rồi chẳng mấy lúc mà lìa đời năm vừa 52 tuổi.
Tóm lược những chương 34- 41:
34: Wakana. Jô (Rau Non, phần đầu) Genji 39- 41 tuổi. Anh họ là thái thượng hoàng Suzaku gả con gái là Onna San no Miya (Công Chúa Ba) mới 13- 14 tuổi cho ông. Kashiwagi (cháu vợ ông và là chồng của Ochiba tức Công Chúa Hai), ngoại tình với nàng, vốn không được Genji đoái hoài từ ngày lấy nhau.
35: Wakana. Ge (Rau Non, phần sau): Giai đoạn Genji 41- 47 tuổi. Onna San có thai với Kashiwagi.
36: Kashiwagi (Cây Bách) Genji 48 tuổi. Onna San sinh Kaoru, mặt mũi hoàn toàn không giống Genji. Kashiwagi chết. Onna San đi tu. 37: Yokobue (Sáo Ngang) Genji 49 tuổi. Yuugiri, con trai Genji, bạn và em rể của Kashiwagi, đến an ủi Ochiba (Lạc Diệp, Lá Rụng), được nàng tặng chiếc sáo ngang, di vật của chồng 38: Suzumushi (Dế Rúc) Genji 50 tuổi. Ông xây cất am cho Onna San tu, trang trí nơi đó theo cảnh mùa thu có cả dế.
39: Yuugiri (Sương Chiều) Yuugiri tìm mọi cách để chinh phục công chúa Ochiba nhưng không toại nguyện.
40: Minori (Cúng Tế) Genji 51 tuổi. Murasaki và Aoi, hai người vợ của Genji Hikari lần lượt tạ thế. Nỗi buồn mất mát to lớn của Genji trước cái chết của Murasaki.
41: Maboroshi (Ảo Ảnh) Genji 52 tuổi. Ông phân phát tài sản, đốt thư tín, xa lánh người đời. Số phận của ông ra sao về sau không rõ. Có thể cái chết của ông đã xảy ra ở cuối chương. Maboroshi còn có nghĩa là thầy pháp, kẻ có thể đi qua cõi âm để tìm lại người chết (như trong sự tích Đường Minh Hoàng nhờ thầy pháp đưa mình đi tìm Dương Quí Phi)[20]. Một số sách Nhật có nhắc tới một chương phụ gọi là Kumogakure (Nắng Chiều Trong Mây) nhưng chỉ có tựa đề, nội dung có lẽ nói về cái chết của ông..
- Phần thứ ba từ chương 42 Niou- no- Miya (Chước Cung =Hoàng Tử Hương Thơm) đến chương 54 Yume- no- Ukihashi (Mộng Phù Kiều = Cầu Nổi Trong Mộng).Về tuổi tác các nhân vật giai đoạn nầy thì lúc Kaoru 24, Niou được 26, Ukifune 19, Kozeri 24, Agemaki 26 và hoàng hậu Akashi (con gái Genji) 43 tuổi.
Sau khi Hikaru Genji chết rồi, con chàng (hay đúng hơn, con của Kashiwagi, tình nhân vợ chàng) là Kaoru Taishô (Huân Đại Tướng) trở thành nhân vật chính trong bối cảnh của miền Uji [21](Vũ Trị). Phần nầy kể về cuộc đời các con trai của Hikaru là Kaoru, cháu ngoại là hoàng tử Niou, những quan hệ tình cảm của họ với các tiểu thư nhà Uji Hachi- no- Miya ( Vũ Trị Bát Cung tức ông hoàng thứ tám ở Uji, em khác mẹ của Hikaru), có khi là liên hệ tay ba giữa hai ông bạn trai nầy đối với một người đẹp, cũng như mối tình dang dở của Kaoru với nàng Ukifune (Phù Châu = Thuyền Trôi Nổi), sau khi nàng tự trầm, được nhà sư cứu sống và xuống tóc đi tu. Những truyện tình không thành và tình tiết nói về lòng nghi hoặc giữa những người yêu nhau đã được kể ra tỉ mỉ. Mười chương cuối cùng, được mệnh danh là Uji Juujô (Vũ Trị Thập Thiếp), tô vẻ ra khung cảnh một thế giới với bao nhiêu trớ trêu của định mệnh mà lòng tin Phật Giáo cũng không cứu được người trong cuộc.
Tóm lược những chương 42-54:
42: Niou Miya (Hoàng tử HươngThơm) Chín năm sau khi Hikaru Genji chết. Năm Niou 15- 21 tuổi. Kaoru và Niou (con trai thiên hoàng Suzaku) tuy là bạn nhưng thường trở thành tình địch.
43: Kôbai (Cành Mơ Hồng) Niou 25 và Kaoru 24 tuổi. Kôbai, em trai Kashiwagi và là người kế nghiệp Tô- no- Chujô (anh vợ và bạn Genji) kiếm chồng cho các con, để ý đến Niou.
44: Takekawa (Sông Trúc) Năm Kaoru 14- 23 tuổi. Tựa đề đoạn này là tên bài hát mà Kaoru và Kurôdo- no- Shôsho (con trai Yuugiri) hát để lấy lòng nàng Himegimi, con gái lớn của Tamakazura. Cựu hoàng Reizei chiếm Himegime, cô chị, sau khi không đạt được ý nguyện lấy người mẹ của các cô là Tamakazura. Thiên hoàng đang tại vị lại lấy Wakagimi, cô em, sau khi thất bại trước cô chị. Chương nầy xem ra không thuộc vào truyện Genji chính gốc và hình như có ai viết sau khi tác giả chết và ghép thêm vào.
45: Hashihime (Công Nương Trên Cầu) Năm Kaoru 20- 24 tuổi. Hoàng tử Hachi (Ông Hoàng Thứ Tám), một người bà con của Genji, sống ẩn dật ở vùng Uji có hai con gái: Agemaki (hay Ôigimi = Cô Lớn) và Kozeri (Nakagakimi = Cô Giữa). Niou và Kaoru đều muốn chinh phục. 46:Shii Ga Moto (Dưới Gốc Sồi). Kaoru 23- 24 tuổi. Kaoru giao du với gia đình Ông Hoàng Tám.
47: Agemaki (Để Chỏm Chia Ba) Kaoru 24, Agemaki, 26 và em nàng 24 tuổi. Kaoru phân vân trước Agemaki còn Niou thì lỡ cỡ với Kozeri. Agemaki chết.
48:Sawarabi (Nhánh Dương Xỉ Tươi) Kaoru 25 tuổi. Kozeri lên kinh đô sống với Niou. và biết Kaoru thực lòng yêu chị mình
49: Yadorigi (Giây Leo) Kaoru 24- 26 tuổi. Kaoru ngoại tình với Kozeri làm Niou ghen tức. Kaoru đi tìm Ukifune, một người em của hai chị em có khuôn mặt giống Agemaki . Kaoru rốt cục được tứ hôn với Ochiba (Công Chúa Hai, Lá Rụng).
50: Azumaya (Mái Đông) Kaoru 26 và Ukifune 21 tuổi. Kaoru đem Ukifune từ Mái Đông, nơi nàng trú ẩn về nhà mình để dạy dỗ.
51: Ukifune (Thuyền Trôi Nổi) Kaoru 27 tuổi. Niou dò biết về Ukifune và đang đêm giả dạng làm Kaoru đến chiếm đoạt nàng. Niou lại đem nàng lên chiếc thuyền chở qua một dòng sông nước xiết, đến một trang trại. Ukifune ví mình như con thuyền trôi nổi vì yêu cả hai người đàn ông.
52: Kagerô (Cánh Chuồn) Ukifune gieo mình xuống sông tự sát. Niou và Kaoru tìm quên nơi những người đàn bà khác. Kaoru làm thơ ví tình yêu mong manh như cánh con phù du.
53: Tenarai (Tập Viết) Kaoru 27- 28 tuổi. Ukifune được các tăng ni cứu thoát chết. Nàng bắt đầu viết để giải buồn và cắt tóc đi tu.
54: Yumeno Ukihashi (Mộng Phù Kiều, Cầu Nổi Trong Mộng) Yukifune biết Kaoru tìm mình nhưng không tiết lộ tông tích, chuyên tâm tu niệm.
Ngoài lối phân đoạn cuốn truyện thành 3 phần nói trên ra, lại có cách phân loại thành 5 phần, mỗi phần 10 chương (thập thiếp). Riêng chương thứ nhất (Sân Ngô Đồng) xem như là chương nhập đề cho 4 phần đầu và chương 42 (Ông Hoàng Hương Thơm) làm nhập đề cho phần cuối cùng đã được viết sau những chương khác. Nhiều học giả nghi ngờ rằng chương 42 (Sông Trúc) và 43 (Hoa Mơ Hồng) không phải do Murasaki Shikubu viết và có thể do một người khác làm ra sau khi bà chết . (theo William, J. Puette, sđd, tr. 146):
- Phần 1: Chương 2 đến 11: Thời trẻ của Genji.
- Phần 2: Chương 12 đến 21: Bước thăng tiến của Genji.
- Phần 3: Chương 22 đến 31: Chung quanh nàng Tamakazura.
- Phần 4: Chương 32 đến 41: Cảnh thất sủng của Genji.
- Phần 5: Chương 45 đến 54: Hậu Genji hay Truyện xảy ra ở Uji.
Truyện Genji vốn bắt nguồn từ những mẫu truyện cổ được truyền tụng nhưng đã thoát khỏi những hạn chế của truyện cổ để, thông qua khung cảnh cuộc sống của giới quí tộc cung đình Hei- an, trình bày càng ngày càng sâu sắc mặt ẩn dấu bên trong cuộc sống nội tâm và thể hiện phong cách cá nhân của tác giả hơn. Cùng với sự tiến triển của lớp lang cốt truyện, ta thấy sự trưởng thành của tâm lý tác giả. Mặt khác, cốt truyện cũng tự động triển khai để lôi cuốn ngòi bút tác giả vào trong.
Tác giả Murasaki Shikibu cần có một tư thế độc lập để quan sát nên phải đứng bên ngoài cuộc sống hàng ngày của thế giới cung đình và do đó bà cần mượn những chi tiết hư cấu. Nhờ có trí tưởng tượng phong phú nên bà đã thành công trong việc hoàn thành một tác phẩm vĩ đại như thế. Cái khéo của tác giả là bà đã khéo lồng vào trong cuốn truyện quan niệm nhân sinh (như về thân phận đàn bà, cách viết tiểu thuyết...), kiến thức trác việt về văn chương, âm nhạc, hội họa, thơ văn, nghệ thuật giao tế và tâm lý nam nữ... của mình mà không hề phương hại đến bút pháp diễn tả khách quan của câu chuyện.[22]
Có trên 30 nhân vật chính (tất cả khoảng 300 nhân vật) lần lượt xuất hiện trong một khoảng thời gian 47 năm của 4 đời thiên hoàng tại vị nhưng câu truyện lúc nào cũng đầy đủ, rõ ràng với những phân tích tâm lý, tính nết từng nhân vật một cách tỉ mỉ và tinh tế. Không những thế, truyện còn hòa hợp khéo léo con người trong môi trường thiên nhiên. Lời văn thanh tân, tao nhã, tiêu biểu được cho văn xuôi quốc âm.
C) Hình ảnh những người đàn bà trong Truyện Genji:
Tuy Hikaru Genji là nhân vật chính của Truyện Genji nhưng phải nói chính những người đàn bà mới là “ nhân vật trung tâm” của câu chuyện kể, trước tiên là Kiritsubo, nàng cung nhân bạc mệnh, người mẹ ruột của chàng. Sau đó, từ chương 2 (Hahakigi, Cây Kim Tước Chi), lúc xảy ra cuộc bình luận về phụ nữ giữa bốn thanh niên công tử một đêm mưa tháng năm trở đi, những người phụ nữ đã lần lượt xuất hiện, mỗi người một vẻ (vì quá đông, xin chỉ trình bày một số người), phần nhiều mang tên một loài hoa cỏ hay cảnh vật làm Truyện Genji giống như một thế giới thực vật hay thiên nhiên:
a) Fujitsubo (Sân hoa tử đằng): Nàng là công chúa thứ tư, con một tiên vương, xinh đẹp tuyệt trần. Để quên nỗi buồn mất Kiritsubo, hoàng đế đã vời nàng nhập cung.Nghe nói nàng rất giống mẹ chàng nên Genji đã yêu ngay. Nàng là mối tình tội lỗi của Genji.
“ Vì Genji lúc nào cũng ở bên cạnh cha chàng nên Fujitsubo, hoàng phi mới tuyển, vốn được ngài thăm viếng thường xuyên, không trốn được cặp mắt của Genji.
Các bà phi khác không ai kém ai. Người nào cũng xinh cũng đẹp nhưng đều đã có tuổi nên không có được như nàng cái vẻ trẻ trung khả ái của một người chưa đến tuổi đôi mươi. Nàng ra vẻ e ấp, thường tránh né chàng nhưng Genji nhiều lúc cứ nhìn nàng đăm đăm.Genji không nhớ mẹ mình như thế nào nên khi nghe bọn thị nữ nói Fujitsubo rất giống bà, chàng hết sức cảm động, luôn luôn tìm cách đến bên cạnh hoàng phi để nhìn cho được.
Hoàng đế thương yêu cả hai một cách nồng nàn, thường bảo Fujitsubo: “ Nàng chớ nên lạnh nhạt với hoàng tử. Nhiều khi ta nhìn nàng, cứ ngỡ nàng chính là hình ảnh của mẹ nó. Đừng cho nó là vô lễ, thương yêu nó một chút với ! Vì nàng giống mẹ nó quá nên nếu nó có tưởng lầm nàng là mẹ mình thì cũng không có gì lấy làm lạ”
Tình cảm của Genji đối với hoàng phi mỗi ngày một tăng, mỗi vụ mùa, chàng thường hay đem hoa và lá đỏ đến tặng nàng để bày tỏ tấm lòng” ... (Chương Một: Kiritsubo)
Sau khi Fujitsubo sinh hạ hoàng nam, kết tinh của mối tình giữa hai người:
“ Một ngày, như mọi lần, khi Genji đem nhạc khí đến phòng Fujitsubo để diễn tấu thì thấy hoàng đế bế hoàng nam sơ sinh trên tay bước ra.:
- Ta có nhiều con nhưng nhưng con là đứa con mà cha chăm chút nhiều nhất từ ngày còn bé. Có lẽ kỹ niệm thời gian ấy khiến ta có ý nghĩ là hoàng nam mới sinh nầy giống con quá đỗi.
Ngài nói mà không dấu được vẻ hài lòng về đứa trẻ.
Genji cảm thấy mặt mình biến sắc vì cả thẹn.Lòng chàng vừa sợ hãi, mang mặc cảm phạm tội đối với hoàng đế, vừa rộn ràng sung sướng vì thấy hoàng nam xinh xắn. Những tình cảm ấy xuất hiện cùng lúc làm chàng không cầm được nước mắt.
Hoàng nam đang bi bô và nhoẻn miệng cười, trông đẹp dễ sợ như không phải là người của trần gian. Genji thầm nghĩ nếu mình giống đứa bé thì chắc mình cũng phải điển trai.Thế thì mình phải cẩn thận chăm sóc mình một chút (Chàng xem ra đôi khi cũng tự mãn). Trước cảnh đó, Fujitsubo lại bối rối, nàng cảm thấy cả người toát mồ hôi lạnh. Genji nhìn hoàng nam xong lại càng thêm bấn loạn, mới bước ra khỏi cung. (Chương 7: Mominoga)
Fujitsubo không cưỡng nổi trước sự quyến rũ của Genji, xua đuổi chàng bao nhiêu thì khi gặp lại, tình cảm càng nồng đượm bấy nhiêu. Cho đến một ngày kia, giữa tuổi thanh xuân, để quên đi mối tình tội lỗi, nàng đã qui y cửa Phật để vĩnh viễn quên chàng.
b) Murasaki no Ue (Hoa Tím):
Trên núi Kitayama ở Kyôto, có một cái am nhỏ. Lúc ấy vào khoảng cuối tháng ba...Trong khi hoa ở kinh đô đã bắt đầu rụng thì trên núi hoa anh đào hãy còn nở đầy. Chàng trẻ tuổi Genji như có chủ tâm, lén nhìn vào trong am thì thấy một ni sư già đang tụng niệm nghiêm cẩn. Bỗng thấy có một đứa bé gái, tuổi vừa lên chín lên người, ngây thơ chạy đến. Có vẻ uất ức.
Sư bà bế đứa bé ấy lên, hỏi:
- Sao thế, lại cãi nhau với ai đấy à ?
Nhìn gương mặt của sư bà và đứa bé thì (Genji) thấy hai người có những nét giống nhau nên nghĩ chắc cô bé là con gái của sư bà.
- Bà ơi, Inuki (tên đứa bạn chơi với mình, có nghĩa là Chó Con) nó đuổi mất con chim sẻ non đi rồi. Con đã nhốt chim trong lồng cẩn thận mà...
Gương mặt cô bé mếu máo như muốn khóc.
Người thị nữ đứng bên cạnh lên tiếng:
- Cái con nhãi ranh nó lại nghịch nữa à. Thật chán quá. Thế chim sẻ non bay đâu mất rồi ? Con chim càng ngày trông càng xinh. Nhỡ gặp quạ thì khốn !
Nói vừa dứt lời, bèn bỏ đi tìm con chim non. Cô thị nữ có mái tóc buông lơi, nom dễ thương. Hình như cô là cô vú em tên là Shônagon, ở đây để chăm sóc đứa bé...
Đứa bé thật xinh xắn. Lông mày chưa được vẽ cho đen nên đường nét khuôn mặt trông hãy còn mơ hồ. Mái tóc để theo lối trẻ con chấm ngang trán, yêu ơi là yêu.Genji nghĩ phải chi nhìn được khuôn mặt ấy lúc nó lớn lên. Mắt Genji như dán vào đứa bé. “Sao mà con bé xinh thế!” Genji thầm nghĩ, tim hồi hộp. “Con nhà ai đấy nhỉ mà sao giống” người ấy” quá. Đứa bé ấy trông không khác gì hoàng phi Fujitsubo, người mà Genji không lúc nào nguôi thương nhớ.Khi nghĩ mình bị lôi cuốn đến như thế, Genji bỗng u sầu, chàng để mặc cho nước mắt rơi.
(theo Chương 5: Wakamurasaki)
Sau Genji biết Murasakino Ue là cô gái mồ côi cháu họ của chính Fujitsubo. Ông đem cô bé về nuôi, dạy dỗ và khi vừa mới lớn, cưới làm vợ sau cái chết của Aoi, người vợ đầu tiên. Nàng là người dịu hiền, khổ sở vì làm vợ một ông chồng đa tình như Genji nhưng tình yêu bao dung của nàng đối với chồng tỏa ngát và khi nàng mất đi, cuộc đời của Genji chỉ còn là những tháng ngày trống rỗng.
Sau đây là đoạn nói về nỗi nhục nhằn nàng phải chịu đựng khi Genji được thiên hoàng Suzaku (Chu Tước), anh cùng cha khác mẹ của chàng, gả công chúa Onna San no Miya (Công Chúa Ba) cho để rảnh tâm trí đi tu. Người vợ mới của Genji chỉ đáng tuổi con chàng và là kẻ đến sau Murasaki nhưng là con gái vua nên trở thành chính thất:
Suốt ba ngày sau lễ cưới, Genji phải đến với Onna San no Miya, người vợ mới. Murasaki chưa hề chịu cảnh ngộ nầy bao giờ nên dù nén hết sức rồi mà nỗi buồn vẫn ngập lòng. Trước khi Genji ra khỏi nhà, nàng vẫn chu tất xông hương quần áo cho chàng. Vẻ u hoài mơ màng càng làm nàng thêm đẹp.Genji nghĩ mà giận chính mình, bật khóc: “Dầu cho sự thể ra sao nữa, cái cô đó (Onna San) không phải là người có thể rước về làm vợ… Mình vì cái tật ham gái và tính thiếu cương quyết nên mới dính vào chuyện nầy. Đã trẻ hơn mình quá sức mà Yuugiri (Sương Chiều), con mình, là người xứng đôi hơn thì lại không được chọn.” Trái với Genji, Yuugiri được tiếng là đứng đắn, lúc nào cũng một lòng một dạ với Kumoi no Kari (Nhạn Trong Mây), vợ anh ta.
- Hôm nay, “đặc biệt” cho phép ta đến cô ấy lần nầy thôi nhé. Nếu từ rày về sau ta cứ làm như thế nầy thì đến ta cũng tự ghét chính mình. Thế nhưng nhỡ ngài Suzaku- in (thái thượng hoàng, cha nàng) biết được ta không lui tới với Onna San no Miya nữa thì…
Murazaki nở một nụ cười buồn, hửng hờ nói:
- Chính chàng còn không biết mình có muốn đi hay là không mà ! Còn thiếp thì dù gọi là đặc biệt hay chả đặc biệt, thiếp thật tình không biết tính sao đây!
Genji không còn cách chống đỡ, nằm vật xuống, tay tựa cằm.
(Chương 34: Wakana Jô)
c) Oborozukiyo (Đêm Trăng Mờ):
Nàng vốn thuộc phe cánh địch thủ trên chính trường của Genji. Con gái thứ sáu quan Hữu Đại Thần (trong khi Genji là rể quan Tả Đại Thần), nàng được gia đình dàn xếp để trở thành hoàng phi của Đông Cung (sau thành thiên hoàng Suzaku, người anh em khác mẹ của Genji). Ngày còn trẻ, nàng gặp Genji lần đầu tiên trong một buổi yến tiệc thưởng hoa anh đào và không nén nổi xuân tình. Nàng không đếm xỉa đến ý kiến của chị mình tức chính hậu Kokiden, mà cứ yêu kẻ địch là Genji. Nàng là mẫu người đàn bà phóng túng, lẳng lơ, thích nếm mùi đời. Thiên hoàng Suzaku vốn hiền lành, nhu nhược nên lại đâm ra thích sự dạn dĩ, mạnh mẽ, có cá tính của nàng.Nàng và Genji càng ngày càng không biết sợ, không những tìm cách gặp nhau trong cung mà luôn cả mỗi khi nàng có dịp về thăm cha ở phủ quan Hữu Đại Thần, người lúc ấy đã nắm trọn quyền bính trong triều.
Khi thiên hoàng Suzaku nhường ngôi và đi tu, nàng bị bỏ rơi và sau đó cũng vào chùa tu sau một đời ngụp lặn trong bể tình.
Sau đây là đoạn văn tả buổi gặp gỡ đầu tiên của họ sau buổi tiệc thưởng hoa anh đào trong cung lúc hai người vừa mới lớn và là nguyên nhân khiến Genji bị khiển trách phải rời kinh đô để ra vùng biển Suma:
“ Có chi sánh được đêm xuân trăng mờ !”
Một giọng hát trẻ trung, ngọt ngào của ai vang lên, nghe như giọng công nương nào đó. Người cất tiếng hát đang tiến dần tới cánh cửa, chỗ Genji. Chàng nấp trong tối, cảm thấy vận may đã tới, bèn đưa tay ra níu lấy ống tay áo nàng.Người con gái kinh sợ:
- Ai đó mà làm gì kỳ vậy ?
- Có gì mà cô em phải sợ !
Genji điềm nhiên trả lời.
“Say tình xuân lúc trăng mờ,
Rõ là duyên nợ, hửng hờ chi em!”
Ngâm nga xong, đưa tay bế nàng lên đem vào căn phòng trống, nhẹ nhàng đặt xuống rồi đóng cửa lại.Cái vẻ kinh sợ của nàng làm Genji thích chí.
Nàng run rẩy định cất tiếng kêu cứu “ Ai ơi, có cái người nầy !” nhưng Genji đã bảo:
- Ta là người làm gì cũng không ai bắt tội. Đừng kêu cứu vô ích.Im đi cho ta nhờ nào !
- Hoàng tử Genji đấy phải không ?
Nàng nhận ra giọng chàng và có vẻ yên tâm hơn.Tuy đang khốn đốn, trong bụng nàng lại tội nghiệp, không muốn cho chàng nghĩ là mình quá đứng đắn. Genji có lẽ vì uống có say hơn ngày thường, lấy làm tiếc nếu phải buông nàng ra bỏ về nửa chừng, mà cô gái trẻ trung cũng tỏ vẻ dịu dàng, chẳng muốn cự tuyệt. Chàng mơn trớn nàng nhưng lòng cũng hồi hộp vì chưa gì trời đã sáng. Nàng thì lo bị người ta bắt gặp còn hơn cả Genji.
(Chương 8: Hana no En)
d) Hanachirusato (Làng Hoa Rụng)
Nói về người được gọi là Hanachirusato (Làng Hoa Rụng) hay San no Kimi (Công Nương Thứ Ba), có biệt danh “Phu nhân hoa quýt”, là người yêu của Genji sống trong một khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, ngập đầy hương thơm hoa cỏ. Đó là người đàn bà chững chạc mà Genji tin cậy hơn cả vì chàng đã gửi gắm Yuugiri, đứa con trai nối dõi tông đường của mình, sau khi nó bị mất mẹ (con trai của chàng với Aoi no Ue). Rồi đến khi tìm được Tamakazura, con gái của Yuugao và đem về nuôi, Genji cũng ký thác cô bé này nơi Hanachirusato. Nàng là con người hiền hòa, đứng đắn, tuy không có con nhưng biết nuôi Yuugiri chu đáo. Nhờ đó, nửa đời sau của nàng được báo hiếu, sống trong hạnh phúc nhờ có con nuôi (Yuugiri) đem về phụng dưỡng. Vốn là em gái một hoàng phi của tiên vương Kiritsubo (cha chàng) tên là Reikeiden (Phong Quang Đẹp Đẻ), Hanachirusato đóng vai trò bạn tâm sự của Genji, nhất là trong lúc chàng bị thất ý phải rời bỏ kinh đô để ẩn dật ở Suma.
Sau đây là đoạn tả cảnh Genji đến thăm chị em cựu hoàng phi Reikeiden và em gái nàng lúc chàng bị thất thế phải ở ẩn tại Suma:
Căn nhà của người mà Genji tìm đến (cựu hoàng phi Reikeiden) đúng như trong trí chàng tưởng tượng, là một nơi thanh vắng, chẳng thấy bóng người.Nhìn căn nhà như thế, Genji không khỏi động lòng nhớ lại việc xưa.
Trước tiên, Genji vào phòng của Reikeiden và hai người đã nói chuyện thâu đêm về kỷ niệm của thái thượng hoàng Kiritsubo (cha chàng). Nhằm lúc đó, con trăng hai mươi đang treo trên bầu trời, những ngọn cây cao trong vườn hiện ra như một bức tường đen. Bên cạnh nhà, hoa quýt tỏa mùi thơm dịu dàng như hương kỹ niệm. Tuy đã có tuổi nhưng Reikeiden là một người đẹp có phẩm chất thanh cao và cách đối xử vô cùng tế nhị.”Tuy thiếp không được sủng ái đặc biệt phải nhìn nhận tiên vương là một người có tấm lòng nhân hậu”, nàng bảo, rồi lần lượt kể lại những chuyện cũ trong cung làm Genji bất giác nhỏ lệ.
(Chương 11: Hanachirusato)
e) Rokujô no Miyasudokoro (Phủ Đệ Đường Số Sáu):
Tác giả dùng địa chỉ để nói bóng gió về người đàn bà quí phái lớn hơn Genji 7 tuổi, mối tình “tạm thời” của Genji khi chàng không được thoả mãn trong tình yêu với người đàn bà khác là hoàng phi Fujitsubo, kẻ thay thế mẹ chàng. Rokujô là vợ góa của một vị đông cung, còn Miyasudokoro có nghĩa là phủ đệ của vợ thiên hoàng hay đông cung và đã có con với họ.
Nàng là người học vấn cao, có lòng tự tôn , khổ sở vì bị người đời xem mình như một trong những tình nhân của chàng nhưng vì quá yêu chàng nên không rứt đi được. Vì sầu khổ, nàng đâm ra ghen tuông đến điên cuồng để xảy ra vụ “tranh xe” với Aoi no Ue, vợ chính thức của Genji.
f) Asagao (Hoa Bìm):
Asagao còn có tên là triêu nhan hay khiên ngưu hoa, một loại hoa giây leo có đủ màu tím, hồng hay trắng, số phận mong manh. Seidensticker [23]cho rằng ngày trước ở Nhật người ta dùng chữ nầy để chỉ các loại hoa nở buổi sáng (morning flowers) chứ không riêng hoa bìm (morning glory) như gần đây. Hoa cũng là tên người con gái có mối liên hệ lâu bền với Genji và không phải là liên hệ nhục thể mà là liên hệ tinh thần. Đó là một mối liên lạc khá lạ lùng kiểu tình yêu cao thượng (amour platonique) của Genji tuy Genji không muốn như vậy.
Nàng thực ra vai em họ của Genji. Cha nàng làm quan bộ Lễ, cùng một cha một mẹ với thiên hoàng Kiritsubo, cha Genji. Genji có lần viết thư tình gửi nàng nhưng nỗi lòng đó không được nàng đáp lại
Tuy vậy nàng dần dần có hảo ý với chàng, cũng biết đau khổ trước cảnh lăng nhăng lắm bà của Genji.
Tuy cha nàng có lần muốn gả nàng cho Genji nhưng nàng có lòng tự hào nên nguyện suốt đời độc thân, chỉ giao lưu thư tín, làm thơ tặng đáp với chàng mà thôi. Sau khi vợ chàng (Aoi no Ue) chết thì họ hầu như tiến đến tình yêu, tuy không mãnh liệt nhưng sâu đậm.Nàng và Akashino Ue là hai đối tượng ghen tuông của Murasakino Ue, chứng tỏ nàng là một đối thủ đáng ngại của tất cả những người yêu Genji.
g) Tamazakura (Mái Tóc Đẹp)
Genji đến thăm Tamazakura
Nàng là một nhân vật quan trọng trong Truyện Genji vì có đến 10 chương nói về nàng. Có thể nàng cũng chỉ là một cái cớ để Genji (hay chính tác giả Murasaki Shikibu) có dịp trình bày nhân sinh quan (về giáo dục con cái, âm nhạc hay tiểu thuyết) của mình.
Nàng là đưa con rơi của Tôno Chuujô, người bạn và anh vợ của Genji, và nàng Yuugao, người đẹp ma quái đã mất sớm năm 19 tuổi.Vì Genji luyến tiếc mẹ nàng nên đem về nhà bảo bọc. Khi lớn lên, tài mạo tuyệt vời nên có nhiều vương tôn công tử theo đuổi, trong số đó có Kashiwagi, người anh cùng cha khác mẹ nhưng không biết tông tích nàng, lẫn ông cha nuôi đa tình Hikaru Genji, người muốn biến nàng thành một Murasakino Ue thứ hai. Câu chuyện sau đây xãy ra lúc Genji 35 tuổi, Tamakazura 21 và Murasaki no Ue 25:
Genji luôn luôn nghĩ đến Tamakazura, chàng thường đến thăm nàng và giúp đỡ mọi chuyện.…Một buổi chiều, chàng lẳng lặng tìm đến phòng nàng. Tamakazura đang ngồi trước án thư, kính cẩn cúi đầu chào rồi e thẹn nhìn qua chỗ khác, trông càng thêm đẹp. Bất chợt, Genji thấy nàng sao mà giống mẹ nàng quá. Chàng muốn khóc.
- Cô tha thứ cho ta, nhưng ta không thể cầm lòng. Khi ta gặp cô lần đầu, ta không tưởng cô giống mẹ cô đến mức này…
Có một quả quít trong lẳng trái cây trước mặt nàng.
“Hương quít tay áo người xưa,
Còn vương tay áo em thơ bây giờ”.
- Sau bao nhiêu năm rồi, ta không làm sao quên được. Nhiều khi ta nghĩ mình đang nằm mơ, và giấc mơ ấy choáng ngợp hồn ta. Xin cô tha lỗi cho ta sự đường đột.
Thế rồi Genji cầm lấy tay nàng…
(Trích chương 24: Tamakazura)
Thế nhưng, Genji đã thất bại trong việc chinh phục cô con gái nuôi. Nàng lấy một ông chồng già vai chú của thiên hoàng và là nhân vật quan trọng thứ ba trong triều sau Genji và Tô no Chuujô. Có lẽ Tamakazura muốn lẩn tránh người cha “nguy hiểm” Genji và cũng tìm sự bảo bọc về đời sống vật chất như những người đàn bà thời đó biết tính toán khi tìm đến hôn nhân. Sau khi chồng chết, Tamakazura nuôi dạy năm đứa con, ba trai hai gái. Hai người con gái nàng sau trở thành phi tần của hai thiên hoàng nhưng cũng gặp cảnh ghen tuông trong cung, làm nàng sầu muộn không ít.
h) Akashi no Ue (Hòn Đá Sáng, Cát Trắng):
Nàng là người địa phương Akashi (vùng đảo Awaji phía nam Kobe bây giờ) chứ không phải người kinh đô, đã kết hôn với Genji trong lúc chàng bị đi đày. Vốn người tự phụ, nếu không gặp ai xứng ý thì không chịu lấy chồng, từ chối bao nhiêu lời cầu hôn cho đến khi gặp Genji, con người lưu lạc. Nàng là mẫu người có ý chí, Genji vừa yêu vừa kính trọng. Thuở nhỏ nàng nghe lời cha, về già nàng sống vì con (con gái nàng sau lấy thiên hoàng, gọi là hoàng hậu Akashi)..Tuy nhiên, nàng cũng tỏ ra là người dào dạt tình cảm và nhục cảm như thấy qua cảnh tái ngộ với chồng sau ba năm xa cách.
Là người vùng biển Akashi, nơi có cát trắng tùng xanh, phong cảnh đẹp như tên của nàng. Lòng nàng lúc nào cũng hướng về cố hương nên đã trang trí phủ đệ ở Kyôto sao cho gợi nhớ được khung cảnh quê nhà.
GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG CỦA TRUYỆN GENJI:
A) Phương pháp cấu tứ của Truyện Genji:
Như chúng ta có thể tự hỏi, Murasaki Shikibu đã lấy đâu ra tư liệu để viết một cuốn tiểu thuyết dài và giàu có tình tiết như vật. Thiết tưởng bà có hai nguồn: nguồn Nhật Bản và nguồn Trung Quốc [24].
Có thuyết cho rằng mối tình của nhân vật hoàng đế Kiritsubo (Đồng Hồ) và nàng Kôi (CánhY), mẹ của, Genji, giống như tình cảnh của thiên hoàng Kazan (Hoa Sơn, 968- 1008) với người yêu của ông,. Bà hoàng hậu này chết lúc mang thai đứa con của hai người và làm ông thương nhớ khôn nguôi, đến nổi thoái vị và bỏ đi tu. Truyện có chép trong Eiga Monogatari (Vinh Hoa Vật Ngữ) , cuốn sử truyện Nhật Bản chép sự tích thời đó với nhiều tình tiết giống y trong Truyện Genji tuy chưa có thể chứng minh là giữa hai cuốn, cuốn nào đã nhận ảnh hưởng của cuốn nào. Ngoài ra, trong Truyện Genji, Murasaki Shikibu có nói về vai trò tư liệu của Tam Sử Ngũ Kinh[25] tức là những tác phẩm Trung Quốc. Khi đọc Genji, người ta dễ liên tưởng đến những gì đã chép trong Sử Ký, Hán Thư và Bạch Thị Văn Tập, đặc biệt về mối tình của Hán Vũ Đế với Lý Phu Nhân và của Đường Minh Hoàng với Dương Quí Phi. Nhất là việc hai vị hoàng đế đa tình trên đã nhờ đến phương thuật để đi tìm người yêu dấu bên kia thế giới, cũng như hoàng đế Kiritsubo đi tìm nàng Kôi (mẹ Genji), Genji đi tìm Murasaki no Ue và con trai ông, Kaoru, đi tìm Ukifune. Đó là chưa kể ngôn ngữ thi ca của Bạch Cư Dị và Nguyên Chẩn bàng bạc phảng phất khắp trong Truyện Genji.Trong số đó, bài tân nhạc phủ Lý Phu Nhân, bài Trường Hận Ca và Trường Hận Ca Truyện (tác phẩm tản văn xuất phát từ Trường Hận Ca) xem ra có ảnh hưởng to lớn hơn cả. Nhà nghiên cứu Shinma Yoshikazu[26] nhấn mạnh đến vai trò của Bạch Cư Dị trong cách cấu tứ của Truyện Genji Không những ông cho biết không khí của Trường Hận Ca và Lý Phu Nhân đã bãng lãng khắp cuốn truyện, làm nổi bật chủ đề “người đàn bà yêu dấu đã mất và người đàn ông luyến tiếc đau khổ” mà còn đặt mối tương quan giữa bài “Hoa Ngô Đồng”(Đồng Hoa ) (thơ Nguyên Chẩn) và “Đáp Lại Bài Hoa Ngô Đồng” Đáp Đồng Hoa (thơ Bạch Cư Dị) cũng như hai câu thơ trong Trường Hận Ca (Xuân phong đào lý hoa khai nhật, Thu vũ ngô đồng lạc diệp thì) với nhân vật hoàng đế Đồng Hồ (Kiritsubo). Ông tự hỏi bài “Bàn Về Hôn Nhân” (Nghị Hôn ) (trong loạt thơ Tần Trung Ngâm) phải chăng đã gợi hứng để tác giả Truyện Genji viết về cuộc thảo luận về phụ nữ của bốn chàng trai một đêm mưa tháng năm trong chương Hahakigi (Cây Kim Tước Chi), còn hình ảnh của con chồn biến thành mỹ nữ để mê hoặc người trong các bài thơ “Con chồn gò xưa”(Cổ Trủng Hồ ) hay “Bài hành về người họ Nhiệm” (Nhiệm Thị Hành) vv…có dính dáng gì đến nàng Yuugao u sầu và yếu ớt như người của cõi âm mà Genji đã gặp trong đêm khuya. Cũng thế, mấy câu thơ sau đây của ông Bạch tả hoa đào núi Lư Sơn (có chép lại trong tập thơ Nhật Shinsen ryôei- shuu tức Tân tuyển lãng vịnh tập):
Nhân gian tứ nguyệt phương phi tận,
Sơn tự đào hoa thủy thịnh khai.
Trường hận xuân qui vô mịch xứ,
Bất tri chuyển nhập thử trung lai.
(Đại Lâm Tự Đào Hoa)
Hoa đào chùa Đại Lâm.
Tháng tư màu thắm cõi người phai,
Chùa ở non cao, hoa vẫn đầy.
Trách mãi đi không cho biết chốn,
Ai ngờ xuân trở gót về đây.
giống y hệt cảnh tượng lần đầu Genji gặp cô bé mồ côi Murasaki, chín mười tuổi, đang sống với sư bà trong ngôi chùa trên núi Kitayama. ở Kyôto:
Trên núi Kitayama, có một cái am nhỏ. Lúc ấy vào khoảng cuối tháng ba...Trong khi hoa ở kinh đô đã bắt đầu rụng thì trên núi hoa anh đào hãy còn nở đầy (Truyện Genji, chương Waka Murasaki):
Điều nầy làm người ta tự hỏi có phải vì thấm nhuần Hán văn mà Murasaki Shikibu đã chuyển được văn thơ họ Bạch qua Hòa văn một cách tài tình, tự nhiên như cách bà diễn tả trong chương sách nói trên.
B) Đặc điểm của văn phong Truyện Genji:
Nói về văn phong của Genji, ta có thể nêu ra hai đặc điểm của nó.
Thứ nhất, chính trong Truyện Genji, ở chương tường thuật về cuộc đàm luận giữa Hikari Genji với cô con gái nuôi là nàng Tamakazura (Ngọc Mạn) (xem đoạn văn gọi là Lớp Đom Đóm, Hotari no Maki = Huỳnh Quyển) về tương quan giữa sự thực và hư cấu trong tiểu thuyết đã bộc lộ một cách gián tiếp quan điểm về “ tính chân thực của hư cấu” đề xướng bởi Murasaki Shikibu. Bà từng phê phán tính hư cấu trong các tác phẩm từ trước đến đó chỉ là hư cấu thuần túy không giúp ta nhìn thấy sự thực của cuộc sống. Theo lối nghĩ của bà, chỉ có cách đào sâu tâm lý thực sự và đa diện của từng người chung quanh một nhân vật hư cấu chủ chốt như ông hoàng Genji mới giúp ta hiểu về con người một cách đầy đủ. Murasaki Shikibu đã mượn lời Hikaru Genji để bày tỏ “quan điểm viết tiểu thuyết” của mình như sau:
Genji nhìn đống bản thảo và tranh ảnh bày la liệt rồi bảo. “ Kìa, lại mê mấy thứ nầy à. Thế không bị nó quấy rầy sao ? Các bà các cô hình như sinh ra để mà bị lừa. Đã thừa biết chuyện bịa thì nhiều còn chuyện có thực rất ít mà vẫn cứ vùi đầu vào mấy cuốn truyện để mắc lỡm. Một đêm mưa tháng năm ẩm ướt như thế nầy mà tóc có rối cũng không thèm chải gỡ, lại cứ ngồi đó sao chép.”
Chàng lại cười: “Mà nầy ! Thật ra nếu không có đống giấy cũ nầy chắc chúng mình không có cách nào giải khuây nhỉ ! Hơn nữa, tuy là truyện bịa đặt thật đấy nhưng nhìn vào, thấy nội dung của nó cũng làm cho mình thấm thía và các chi tiết có đầu đuôi hẳn hoi. Đành rằng biết chuyện không có thực nhưng cũng bị lôi cuốn. Như cái đoạn nói về sự khổ tâm của cô công nương (trong Truyện ni cô đền Sumiyoshi, đã nhắc đến ở đoạn trước) thì mình cũng có thông cảm phần nào với cảnh ngộ của nàng. Đôi khi, một số chi tiết phi lý hay khoa trương mình biết không thể có được, lại thu hút mình.Lấy bình tĩnh để nghe đọc lại lần nữa, tuy bực dọc bị thiên hạ đánh lừa, nhưng tâm hồn lại dao động vì những chi tiết kể ra trong các truyện ấy. Mấy lúc nầy, đôi khi ta thử nghe trộm truyện mà con gái ta (công chúa Akashi) hay mấy bà cung nhân trong nhà đọc lên thì thấy ở trên đời thật có nhiều tay tán phét giỏi thật. Chắc là bọn đã quen nói dối, mở miệng ra là thành truyện. Tuy vậy, chắc cũng có kẻ không làm như thế chứ nhỉ !
Tamakazura (con gái nuôi của Genji) đẩy nghiên mực qua một bên , trả đũa:
- Cha dạy chí phải. Những người quen nói dối như cha thì tiếp nhận nó như là chuyện bịa đặt mà thôi. Còn con thì hoàn toàn tin đó là sự thực.
Genji cười bảo:
- Ta có hơi khiếm nhã khi phê bình mấy cuốn truyện của các cô. Truyện kể có lẽ là cái ghi chép những gì xảy ra từ thời các thần cho đến thời đại của con người.Hai cuốn sử Nihongi (Nhật Bản Kỷ) và Nihon shoki (Nhật Bản thư kỷ) chỉ chép được một phần nhỏ những chuyện đó. Cho nên, theo ta nghĩ, truyện kể (của các cô) mới làm được phận sự ghi chép đầy đủ và chân thật sinh hoạt của con người.
Chàng lại nói tiếp:
- Truyện kể tuy nói về những con người đang sống thực nhưng không phải một thứ sự thật đơn thuần, xảy ra thế nào thì chép thế ấy. Ta chỉ bắt đầu viết khi có những chuyện tốt và chuyện xấu. Ta phải đem những điều tai nghe mắt thấy truyền lại cho đời sau chứ không được giữ riêng trong lòng mình. Nếu người kể truyện muốn nói chuyện tốt đẹp thì chỉ giữ lại điều tốt, còn như muốn hấp dẫn người nghe thì đưa ra những chuyện xấu xa hoặc chuyện lạ lùng. Xấu hay tốt, đều là những chuyện thuộc về thế giới con người mà !”
(Trích Chương 25: Hotaru)
Đặc điểm văn học thứ hai được bộc lộ qua lời phê bình của nhà nghiên cứu thời Edo tên là Motoori Norinaga (Bản Cư, Tuyên Trường, 1730- 1801) trong tập “Cái lược gỡ những hạt ngọc của Truyện Genji” hay Genji Monogatari tama no kogushi (Nguyên Thị vật ngữ ngọc tiểu trất) khi ông muốn tìm tòi (chải gỡ, vì kogushi có nghĩa là “ cái lược nhỏ” ) cái hay của Genji. Ông bảo khác với các tiểu thuyết đậm mầu triết lý và đạo đức khuyên người làm lành lánh dữ của Nho Giáo và Phật Giáo cho đến thời đó, Genji chỉ muốn trình bày phản ứng tâm lý và tình cảm con người vốn có khi đứng trước một người khác phái đáng yêu, một cảnh tượng khiến mủi lòng hay trước vẻ đẹp thiên nhiên. Lúc đó trong lòng con người tất phải thưởng thức được niềm xúc động chỉ bộc lộ ra khi chủ thể quan sát vào khách thể đối tượng hòa nhập làm một. Motoori gọi đó là khả năng bắt gặp cái Mono- no- Aware[27] hay “ hồn của sự vật” hay “ cái đẹp đến se sắt con tim gợi ra từ những vật mong manh” [28], một đặc điểm hàm chứa trong văn chương. Mono là đối tượng khách quan trong khi aware là tình cảm chủ quan, Mono no aware chỉ có khi cả hai bên gặp gỡ nhau. Mono no aware là một khái niệm rất khó dịch nhưng theo lời giảng giải trong Truyện Genji thì nếu con người đứng trước một người, một cảnh, một sự vật đáng lẽ làm mình cảm động mà không cảm động là người không hiểu gì về Mono no aware và như thế, không có trái tim người.
C) Vị trí Truyện Genji trong văn học Nhật Bản:
Trong dòng văn học Nhật Bản, Truyện Genji đến sau Utsuho và Ochikubo, đã cho ta thấy sự tiến triển của tiểu thuyết quốc âm kana.
Trước tiên, không cần nói đến số trang thì ta còn thấy bố cục của câu chuyện nhất quán hơn, những chi tiết thần thánh siêu nhiên đã bị lược bỏ khá nhiều. Lối kể chuyện có tính cách khách quan và tình tiết trong truyện rất gần với đời thường, tâm lý nhân vật được phân tích một cách tinh tế. Nhân vật Genji đóng một vai trò quan trọng hơn nhân vật Nakatada của Truyện bộng cây (Utsuho) nên điều đó đã giúp Truyện Genji có một cốt truyện mạch lạc hơn. Tuy là một con người lý tưởng, chàng Genji gần gũi với người thường hơn trong khi Nakatada như được thần thánh hóa (chàng Nakatada học được tiếng đàn thần nhân truyền lại cho tổ phụ ) nên kém vẻ xác thực.
Về mặt ngôn ngữ, Genji hãy còn sử dụng một số ngôn ngữ hạn chế và câu văn với hình thức mơ hồ gây khó khăn cho độc giả thời nay. Có lẽ độc giả của Murasaki Shikibu chỉ là quí tộc cung đình đã có với nhau một số qui ước trong ngôn ngữ lẫn cách sống nên dễ dàng tiếp nhận nó hơn chúng ta.
Điểm thứ ba cần phải nhắc đến là màu sắc Phật giáo, nồng cốt triết lý của truyện, một phần đến từ truyền thống Phật giáo có từ xưa trong cung đình, một phần do tư tưởng của Tịnh Độ Tông. Luân lý của truyện là cuộc đời bèo bọt, vinh hoa chỉ thoáng qua và gieo nhân thì phải gặt quả (tư tưởng gô tức nghiệp và sukuse hay túc thế). Đàn ông đàn bà thí phát qui y được xem như là một cách giải quyết vấn đề cho chính bản thân, cho người chung quanh và cho cả tác giả Murasaki Shikibu. Tám trong mười người đàn bà dính dáng tới ông hoàng Genji đã gọt tóc làm ni, còn hai người kia chết trẻ.
Về bút pháp, ta thấy tác giả đã dàn dựng tài tình những tình huống để trình bày chuyển biến của thái độ các nhân vật. Ví dụ nàng “Xác Ve” Utsusemi (Không Thiền) thời con gái tôn thờ hình ảnh chàng Genji thế nào mà khi đã lấy chồng, một ông quan già đi phó nhậm phương xa, đã cự tuyệt và chạy trốn tình yêu của Genji khi con người hào hoa nàng ôm ấp trong mộng nay thực sự tìm đến với nàng. Một thí dụ khác là thái độ (thủ phạm) của Genji lúc chàng có mối tình cấm đoán với bà dì Fujitsubo và thái độ (nạn nhân) lúc chàng gặp cảnh vợ mình ngoại tình với con trai bạn mình là Kashiwagi. Tác giả Murasaki Shikibu cũng khéo léo sử dụng yếu tố thời gian để dẫn dắt câu chuyện như khi đem cái bóng của quá khứ trùm lên cuộc sống hiện tại của các nhân vật: hoàng đế Kiritsubo yêu Fujitsubo vì nàng giống người vợ mệnh yểu của mình, Genji cũng yêu nàng vì nàng giống mẹ chàng. Genji bị Murasaki no Ue thu hút vì nàng là hình ảnh của Fujitsubo. Chàng ta lại tiến gần đến với Tamazakura lại vì nàng là hiện thân của Yuugao, mẹ nàng và người yêu cũ của Genji. Kaoru yêu Uji no Ôgimi nên đến khi gặp cô em khác mẹ Ukifune của nàng thì lại yêu luôn....Những mối tình vượt không gian, thời gian và thông qua các “ đại diện” như thế cho ta thấy quá khứ, hiện tại và tương lai như giao thoa với nhau làm cho câu chuyện được tiếp nối một cách sinh động.
Sự phong phú của Truyện Genji không chỉ nằm ở tính cách đa diện của tâm lý (yêu thương, hờn giận, ghen tuông, tưởng nhớ, dấu diếm, sầu muộn, ghét bỏ, phản bội, luyến tiếc...) của con người qua những cuộc phiêu lưu tình ái. Nó còn giúp cho người hiện đại hiểu về nhân sinh quan của những kẻ sống trước ta 10 thế kỷ. Ngoài quan niệm về sáng tác văn học (chương 22 Tamakazura “ Mái Tóc Đẹp” , chương 25 Hotaru “ Đom Đóm” ) như đã nói ở trên, ta còn hiểu được lối suy nghĩ của họ về giáo dục con cái (chương 21 Otome “ Thiếu Nữ” ) hôn nhân (chương 32 Umegae “ Cành Mơ” )... cũng như phong tục tập quán đương thời.
Thông qua vô số tình tiết ly kỳ của cuốn truyện, ta có thể xem định mệnh của Genji như định mệnh của môt đứa con tìm mẹ, bị cản trở (qua mối tình tội lỗi với “ bà dì” Fujitsubo) nên đã tìm cách thoát ra bằng cách đi chinh phục hết người đàn bà nầy đến người đàn bà khác. Trước Genji, không có truyện nào có thể sánh bằng đã đành mà văn học diễm tình về sau đều chịu ảnh hưởng của nó. Ví dụ trường hợp của các tiểu thuyết lịch sử “ Truyện tướng Sagoromo” (Sagoromo monogatari, Hiệp Y Vật Ngữ) miêu tả cuộc đời tình ái của chàng võ quan Sagoromo Taishô (Hiệp Y đại tướng) và “ Truyện kiếp vinh hoa” Eiga monogatari (Vinh Hoa vật ngữ) nói về dòng họ quyền thần Fujiwara no Michinaga. Cho đến thời trung cổ và cận đại, ta cũng thấy ảnh hưởng đó trong thi ca (waka), kịch nghệ (các bài ca hay yôkyoku = dao khúc tuồng Nô, tiểu thuyết “ Một đời trai đắm sắc” (Kôshoku Ichidai Otoko = Háo sắc nhất đại nam) của Ihara Saikaku (Tỉnh Nguyên, Tây Hạc, 1642- 1693) hay “ Genji giả, Murasaki ruộng” (Nise Murasaki Inaka Genji, Ngụy tử điền xá Nguyên Thị) của Ryuutei Tanehiko (Liễu Đình, Chủng Ngạn, 1783- 1842) một cuốn truyện tự xưng mô phỏng Truyện Genji của một tác giả mạo danh, có một vai chính quê mùa. Ngay cả các nhà văn cận kim và hiện kim hàng đầu như Higuchi Ichiyo (Dũng Khẩu, Nhất Diệp, 1872- 1896), Akutagawa Ryuunosuke (Giới Xuyên, Long Chi Giới, 1892- 1927), Tanizaki Jun- ichirô (Cốc Kỳ, Nhuận Nhất Lang,1886- 1965) hay Kawabata Yasunari (Xuyên Đoan, Khang Thành, 1899- 1972)... đều ái mộ ngữ vựng, cách diễn tả và đề tài của Genji, đem nó vào tác phẩm của mình.
Nhiều bản Truyện Genji kim văn bằng tiếng Nhật đã ra đời để giúp độc giả hiện đại thấu hiểu giá trị văn chương của người đời trước, trong đó có bản của văn hào Tanizaki Jun- ichirô và nữ sĩ (kiêm sư bà) Setouchi Jakuchô (Lại Hộ Nội, Tịch Thính). Bản thông dụng có lẽ là bản khổ bỏ túi của nhà xuất bản Kôdansha (1978) gồm 7 cuốn, tổng cộng 3500 trang khổ A6 với khổ chữ rất nhỏ, do giáo sư tiến sĩ Imaizumi Tadayoshi (Kim Tuyền, Trung Nghĩa, 1910- 1976), giáo sư danh dự Đại học Quốc Học Viện (Kokugakuin Daigaku) dịch toàn văn. Truyện Genji còn được trích dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới với sự đóng góp của các dịch giả tên tuổi (nhưng khi dịch không khỏi vò đầu bứt tai vì quá khó) như Arthur Waley (Anh), Edward Seidensticker (Mỹ), René Sieffert (Pháp)…, giúp cho độc giả quốc tế biết đến giá trị của nó và đánh giá như một di sản tinh thần quí báu của kho tàng văn hóa nhân loại.
NNT.
___
[1] Engo (duyên ngữ) là một chữ dùng trong waka có hiệu quả gây liên tưởng đến một chữ khác trong câu. Ví dụ chữ Tiêu dù đặt ở chổ nào trong câu cũng làm ta liên tưởng đến chữ “tuyết “ vì có cặp từ “tuyết tiêu” (tuyết tan).
[2] Kakekotoba (quải từ) chữ đồng âm dị nghĩa ví dụ như Matsu vừa có nghĩa là “cây tùng” (danh từ) vừa có nghĩa là “chờ đợi” (động từ).Chữ Nagame vừa có nghĩa là “nhìn dõi về xa” (diễu) vừa có nghĩa là “mưa dầm” (trường vũ).
[3] Sesshô (Nhiếp chính), quyền thần thay mặt thiên hoàng (vì còn quá trẻ hay là nữ giới) để trị nước. Trong trường hợp này để chỉ ngoại thích Fujiwara.
[4] Kanpaku (Quan bạch) trọng thần thay mặt thiên hoàng trông coi việc nước, có điều gì cũng phải bẩm người ấy trước mới tâu sau. Trường hợp nầy cũng để chỉ giòng họ Fujiwara.
[5] Còn đọc là Thanh Đình
[6] Tập 1 ra đời năm 1008 (niên hiệu Khoan Hoằng năm thứ 5) lúc tác giả khoảng 38 tuổi.
[7] Theo chế độ pháp luật thời cổ, Shikibu (Thức Bộ) là một trong 8 bộ, lo việc nghi thức. Gia đình nào chuyên trông coi việc lễ nghi có thể được lấy chức đó làm họ.
[8] Theo Genji Monogatari, Beginners Classics, nhà xuất bản Kadokawa Shoten biên tập, Kadokawa phát hành, 2004.
[9] Trước đó ít lâu, một tài nữ khác, Sei Shônagon (Thanh, Thiếu Nạp Ngôn), tác giả tập tùy bút Makura Sôshi (Chẩm thảo tử) đã vào hầu hoàng hậu (cũng của Nhất Điều thiên hoàng) tức bà Fujiwara Teishi (Đằng Nguyên Định Tử, 976- 1000).
[10] Hoàng hậu mới lập sau, để phân biệt với bà hoàng hậu Fujiwara Teishi (Đằng Nguyên, Định Tử), con gái Michitaka (Đạo Long), bác ruột của bà. Sau khi nhà Michitaka suy vi, bà Teishi bỏ đi tu (996) và chết sớm (1000), Michinaga cho con gái Shôshi (Chương Tử), tuổi hãy còn bé, nhập cung (999). Bà này liền được phong hoàng hậu (1000). Lần đầu trong lịch sử Nhật có liên tiếp 2 Hoàng Hậu (nhất đại nhị hậu) vì quyền thần Michinaga muốn có cháu ngoại kế vị thiên hoàng.
[11] Có thể liên tưởng tới bà “cung trung giáo tập” Ngô Chi Lan, Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan của Việt Nam.
[12] Đơn vị Nhật Bản để đo lường số trang, tính tùy khổ giấy. Một thiếp có thể có đến 48 trang giấy Nhật.
[13] Ienaga (sđd) cho rằng Genji “mặt sáng như gương” là hình ảnh của Fujiwara Michinaga, con người toàn hảo về mọi mặt, vinh hoa tột đỉnh nhưng rốt cục cũng bó tay trước định mệnh.
[14] Kaoru tùy trường hợp, có nghĩa là thơm tho hay đẹp đẽ.
[15] Ngô đồng (Kiri) tức cây vông. Hoa văn hoa ngô đồng hay hoa cúc thường thấy trên áo xống vật dụng hoàng đế. Có thể vì sân trong (tsubo) chung quanh cung của hoàng đế Kiritsubo trồng nhiều cây kiri.
[16] Genji trở thành một danh từ chung, ám chỉ những người con không chính thức của thiên hoàng.
[17] Fuji (hoa tử đằng, wisteria). Cung của bà phi nầy có sân trong (tsubo) tr ồng loại hoa giây màu tím nhạt này nên bà có tên hiệu là Fujitsubo.
[18] Tóm tắt theo Puette, William J., Guide To the Tale Of Genji, 1983, Tuttle Co., Tôkyô.
[19] Yomogi thường được biết như cỏ ngãi cứu (viết bằng chư ngãi) hay cỏ bồng (viết bằng chũ bồng), đây muốn nói về cuộc đời trôi nổi, nghèo khó của các nhân vật.
[20] Có ảnh hưởng của Trường Hận Ca và thi văn Bạch Cư Dị lên trên Truyện Genji.
[21] Uji (Vũ Trị), vùng thung lũng phía nam Kyôtô, có sông Ujigawa chảy qua, thời Hei- an là nơi quí tộc xây cất biệt thự, có nhiều danh thắng, nổi tiếng vì trà ngon.
[22] Theo Ienaga (sđd)
[23] Seidensticker, Edward, G., translate The Tale of Genji, Murasaki Shikibu, Everyman’s Library, GB, 1976 & 1992.
[24] Xem Shinma Kazuyoshi, Genji Monogatari to Hyaku- Kyo- i no Bungaku (Truyện Genji và văn chương Bạch Cư Dị), Izumi Shooin, Tôkyô, 2003.
[25] Tam Sử là Sử Ký, Hán Thư và Hậu Hán Thư. Ngũ Kinh là Kinh Thi, Thư, Lễ, Nhạc và Xuân Thu.
[26] Truyện Genji và văn chương Bạch Cư Dị, sách đã dẫn.
[27] Aware nguyên là A- hare giống như một tiếng kêu kinh ngạc và cảm kích như “Ôi chao!”. Vào thời trung cổ, nó chỉ biểu diễn phản ứng của con người trước một vẻ đẹp hay yêu kiều, qua thời cận đại thì nó trở thành phản ứng trước cái gì buồn. Cho nên vẻ đẹp Nhật Bản thường gắn với nỗi buồn (Aware được viết với chữ Ai trong tiếng Hán) ví dụ một cảnh tiêu sơ, hoang phế cũng có cái nét đẹp của nó (Chúng ta có Bà Huyện Thanh Quan?).
[28] Tạm dịch “beauté poignante des choses fragiles” theo lối diễn tả của J.Pigeot và J.- J.Tschudin.
Tác giả bài viết: Nguyễn Nam Trân
Nguồn tin: trieuxuan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nguyên Phó Trưởng ban phát triển doanh nghiệp CLB Doanh nhân Khánh Hòa Sài Gòn. Nguyên Phó Trưởng Khoa Nhật Bản học Trưởng phòng HTQT và phát triển Dự án quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Cố vấn...