Sơ bộ đánh giá về di sản đặc biệt của Cố đô Huế
Thừa Thiên Huế vốn là vùng đất của sự giao thoa văn hóa của các nền văn minh (văn hóa Đông Sơn ở phía bắc- văn hóa Sa Huỳnh ở phía nam; nhìn xa hơn là nền văn minh Ấn Độ từ phía nam- văn minh Trung Hoa ở phía bắc…) nên từ xa xưa tại đây đã có vô số sự trao đổi, hòa hợp văn hóa in dấu trong các hiện vật do con người làm ra (dụng cụ lao động, vũ khí, đồ trang sức…). Tiếp đó, trong hơn 10 thế kỷ tồn tại trên mảnh đất này (cuối thế kỷ 2 đến đầu thế kỷ 14), nền văn minh Chămpa đã để lại tại đây vô số di chỉ thành trì, đền tháp cùng số lượng hiện vật khá phong phú.
Từ năm 1306 đến năm 1945, trong khoảng gần 6 thế kỷ rưỡi, người Việt đã tiếp thu và xây dựng vùng đất Huế trở thành một trung tâm mới của đất nước ở phía nam, đặc biệt là trong khoảng 310 năm (1636-1945), khi Huế đóng vai trò là thủ phủ của Đàng Trong, rồi kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới các triều đại của chúa Nguyễn, Tây Sơn và vua Nguyễn. Vùng đất này trở thành điểm hội tụ của nhân tài, vật lực của cả nước. Chính vì vậy, đây cũng là nơi tập trung của các nguồn của cải, báu vật của quốc gia (1).
Trải qua những biến động phức tạp của lịch sử, vô số những cổ vật, tác phẩm nghệ thuật của Huế đã bị cướp bóc, đánh cắp, hủy hoại. Dẫu vậy, hiện nay cố đô vẫn là một trong những địa phương có số lượng cổ vật, tác phẩm nghệ thuật phong phú của Việt Nam. Theo thống kê, chỉ tính riêng các bảo tàng công lập và ngoài công lập của Huế hiện đang trưng bày, bảo quản hơn 67.000 tư liệu, hiện vật, tác phẩm nghệ thuật (2), trong số đó có 14 hiện vật/nhóm hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia bao gồm các hiện vật thuộc văn minh Chămpa, hiện vật thời Chúa Nguyễn và hiện vật thời Vua Nguyễn. Ngoài ra, còn có một số hiện vật thời Nguyễn vốn ở Huế nhưng nay đang được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia (Hà Nội) cũng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia (3).
Đến nay, Thành phố Huế đã có 14/327 hiện vật/nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia (tổng cộng là 41 hiện vật), tức số lượng còn khá khiêm tốn, chưa phản ánh đúng giá trị, tầm vóc và sự phong phú của kho tàng di sản cổ vật tại cố đô. Tuy vậy, các bảo vật quốc gia đã được công nhận của Huế đều rất tiêu biểu, có giá trị đặc biệt về nhiều mặt. Đây là một lợi thế không nhỏ để cố đô quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo của mình, tăng thêm sức thu hút để phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ.
Từ ngày 1/1/2025, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức trở thành Thành phố trực thuộc trung ương. Huế sẽ là thành phố đầu tiên của Việt Nam chọn con đường dựa trên nền tảng của văn hóa, di sản để phát triển và phát triển theo mô hình một “đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”. Đây là một sự lựa chọn đúng đắn và Huế đang có cơ hội rất lớn đất để phát triển mà vẫn bảo vệ được bản sắc độc đáo của mình.
Đây là hai cổ vật rất tiêu biểu và nổi tiếng của Thừa Thiên Huế: Bệ thờ Vân Trạch Hòa và bộ chóp tháp Linh Thái.
Bộ chóp tháp Linh Thái
Đây là một bộ gồm 2 hiện vật: Chóp tháp và bệ chóp tháp, được chế tác bằng đá sa thạch. Chóp tháp: Cao 120,0cm, cạnh đáy 74,0cm x 74,0cm; Bệ chóp tháp: Cao 36,0cm, dài: 95,0cm, rộng: 95,0cm. Bộ chóp tháp Champa Linh Thái được tìm thấy tại phế tích đền – tháp Linh Thái, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện đã được đưa về bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế.
Bảo vật quốc gia là hiện vật/nhóm hiện vật thời Chúa Nguyễn
Thời Chúa Nguyễn hiện có 3 hiện vật/nhóm hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, đó là: Bộ vạc đồng thời Chúa Nguyễn; Đại hồng chung chùa Thiên Mụ và bia Ngự kiến Thiên Mụ tự.
Bộ vạc đồng thời Chúa Nguyễn
Đây là 10 chiếc vạc được đúc trong thế kỷ XVII, từ năm 1659-1684, thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), trọng lượng từ vài trăm đến vài nghìn cân. Tương truyền, tác giả của chúng là một người Bồ Đào Nha lai Ấn Độ tên là Joaz da Cruz (hay Jean de la Croix) đã từng sống tại Huế trong thời gian trên. Cruz đến Huế vào nửa đầu thế kỷ XVII, sống tại Phường Đúc (khu vực đối diện phía thượng nguồn chùa Thiên Mụ), lấy vợ người Huế và được xem là người sáng lập ra ngành đúc đồng nổi tiếng của vùng đất này. Ông cùng con trai đã giúp chúa Nguyễn đúc rất nhiều vũ khí để phục vụ chiến tranh chống chúa Trịnh ở phía Bắc và công cuộc mở đất ở phía Nam. Để kỷ niệm cho các lần chiến thắng và cũng là để biểu thị cho uy quyền cùng sự trường tồn của dòng họ, chúa đã sai ông đúc những chiếc vạc to lớn này. Những chiếc vạc lịch sử này không chỉ đẹp, bề thế mà còn rất độc đáo bởi dung hòa được cả phong cách trang trí kiểu phương Tây và phương Đông.
Đại hồng chung chùa Thiên Mụ
Chuông được chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc vào năm 1710, bằng đồng, là một trong những quả chuông được đúc sớm nhất và có trọng lượng lớn nhất ở Đàng Trong. Chuông cao 240cm (thân cao: 188cm; quai cao: 52cm); đường kính miệng chuông: 140cm; đường kính thân chuông: 114,6cm; trọng lượng: 3285 cân thời chúa Nguyễn (tương đương 1.985,8kg). Trải qua bao biến cố lịch sử, chuông vẫn được giữ gìn nguyên vẹn tại chùa Thiên Mụ, quốc tự hàng đầu của xứ Huế và Đàng Trong, gắn liền với câu ca dao nổi tiếng: Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Cương
Bia Ngự kiến Thiên Mụ tự
Bia đá do chúa Nguyễn Phúc Chu dựng năm 1715 ghi nhận lại việc trùng kiến chùa Thiên Mụ và trung hưng Phật giáo ở Đàng Trong. Bia được tạo tác rất đẹp, gồm hai phần: bia đá và bệ bia, mang phong cách bia đá thế kỷ XVIII. Kích thước bia: cao 389cm, rộng 168cm, dày 25cm; đế bia (khắc hình linh quy): dài 224cm, rộng 165cm, cao 66cm. Lòng bia khắc bài minh gồm hơn 1.250 chữ Hán.
Bảo vật quốc gia là hiện vật/nhóm hiện vật thời Nguyễn
Bảo vật quốc gia thời Nguyễn gồm có 9 hiện vật/nhóm hiện vật sau: Ngai hoàng đế thời Nguyễn; Áo tế Giao của hoàng đế triều Nguyễn; Cửu đỉnh; Cửu vị thần công; Bia Khiêm Cung Ký; Chuông đồng Ngọ Môn đúc thời Minh Mạng; Trấn phong (phù điêu bằng đá) thời Minh Mạng; Đôi tượng rồng thời Thiệu Trị; và Ngai vàng của hoàng đế Duy Tân.
Ngai hoàng đế thời Nguyễn
Đây là chiếc ngai vàng lịch sử, chứng kiến lễ đăng quang của các hoàng đế triều Nguyễn, hiện được đặt ở vị trí quan trọng nhất trong điện Thái Hòa. Ngai làm bằng gỗ, gồm 2 phần: ngai vàng và đế ngai; phía trên có bửu tán. Kích thước ngai dài 87cm, rộng 72cm, cao 101cm. Phần đế: dài 118cm, rộng 90cm, cao 20cm. Trọng lượng ngai khoảng 60kg.
Áo tế Giao của hoàng đế triều Nguyễn
Đây là lễ phục (tế phục) đặc biệt quan trọng của hoàng đế triều Nguyễn, chỉ sử dụng trong lễ tế trời đất tại đàn tế Giao. Áo dệt bằng đoạn, màu xanh đen, kiểu áo dài, tà áo rộng; chân cổ nằm, bản nẹp cổ rộng 10cm; ống tay áo rộng, dài gần bằng thân áo. Thân áo xẻ dọc hai bên sườn thành hai vạt trước và sau. Kích thước: Thân áo cao: 117cm; tà áo rộng: 98cm; tay áo dài: 115cm; ống tay áo rộng: 69cm.
Cửu đỉnh
Cửu Đỉnh là 9 chiếc đỉnh đồng to lớn, được đúc trong các năm 1835-1837, dưới thời Minh Mạng, hiện vẫn đặt trước sân toà Thế Tổ Miếu trong Đại Nội. Có thể xem đây là những tác phẩm đạt đến độ hoàn mỹ của nghệ thuật đúc đồng truyền thống Huế và của cả Việt Nam trong lịch sử. Đây là những chiếc đỉnh lớn và đẹp nhất của nước ta từ xưa đến nay. Mỗi chiếc đều cao khoảng từ 2,3-2,5m; chiếc nhỏ nhất cũng nặng hơn 3.200 cân, chiếc lớn nhất thì nặng đến hơn 4.300 cân. Điều đặc biệt là trên thân các chiếc đỉnh này, ngoài các dòng chữ Hán chú về niên đại, trọng lượng và tên đỉnh còn có chạm nổi hình tượng của núi sông, văn vật nước Đại Nam trong thế kỷ XIX kèm theo tên gọi cụ thể (bằng chữ Hán). Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá rằng, 153 hình ảnh chạm nổi trên Cửu đỉnh (mỗi đỉnh có 17 hình ảnh) là một bộ Đại Nam nhất thống chí bằng đồng vô cùng độc đáo của dân tộc ta dưới thời vua Minh Mạng, không chỉ thể hiện sự tài hoa khéo léo tuyệt vời của những người thợ đúc đồng mà còn thể hiện lòng tự hào dân tộc vô bờ bến về một đất nước Đại Nam hùng cường và giàu có.
Cửu vị thần công
Là 9 khẩu đại bác khổng lồ đúc bằng đồng đầu thời Gia Long (1803-1804), thể hiện trình độ kỹ thuật và nghệ thuật trang trí rất đặc sắc của nghệ nhân Việt Nam đầu thế kỷ XIX. 9 khẩu đại bác được đặt tên theo tứ thời và ngũ hành (Xuân, Hạ, Thu, Đông và Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) nhưng có tên chung là Thần Oai Vô Ddịch Thượng Tướng Quân; mỗi khẩu dài trung bình 510cm, nặng trên dưới 10 tấn, thân súng khắc bài minh hướng dẫn cách sử dụng bắn súng và tên tuổi những người tham gia đúc súng. Toàn bộ lượng đồng dùng để đúc Cửu vị thần công được lấy từ việc thu hồi các khí cụ của triều Tây Sơn, nên các khẩu đại bá này còn là biểu tượng chiến thắng của triều Nguyễn.
Bia Khiêm Cung Ký
Là tấm bia đá dựng trong lăng vua Tự Đức do chính nhà vua soạn văn bia và sai khắc dựng vào năm 1875. Bia gồm 2 phần: bia và bệ bia, đều làm từ đá Thanh nguyên khối, năng hơn 20 tấn. Bia cao 407cm, rộng 259cm, dày 48cm; bệ bia cao 100cm, rộng 309cm, dày 162,5cm. Bài văn bia dài hơn 5000 chữ Hán, nội dung ghi lại quá trình xây dựng lăng Tự Đức và tâm sự của nhà vua về thế sự.
Chuông Ngọ Môn thời Minh Mạng
Chuông được đúc vào ngày mồng 6 tháng 4, năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Chiều cao tổng thể chuông: 173 cm (quai cao: 39cm; thân chuông cao: 134cm); đường kính miệng chuông: 99,5cm; độ dày miệng chuông: 7,5cm. Trọng lượng: 1359 cân thời Nguyễn (tương đương 821,516kg).
Chuông Ngọ Môn là chiếc chuông duy nhất (độc bản) được đúc để đặt tại không gian là cổng chính, cổng ở phía Nam, cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng Thành Huế; dùng để sử dụng vào các hoạt động mang tính chất hành chính; được coi là biểu tượng của vương triều Nguyễn. Chuông Ngọ Môn là một tác phẩm mỹ thuật đặc sắc của ngành điêu khắc, hội họa, kỹ nghệ đúc đồng thời Minh Mạng (1820-1841) nói riêng và triều Nguyễn (1802-1945) nói chung. Tất cả đồ án trang trí trên chuông mang tư tưởng lớn về ước muốn xây dựng vương triều vững mạnh, hay cầu mong cho “Quốc thái dân an, phong điều vũ thuận”, nghĩa là ước vọng xây dựng một đất nước cường thịnh, thái bình yên ổn; mưa thuận gió hoà; nhân dân no đủ, sung túc… Nghệ thuật tạo hình từ việc tạo dáng quai chuông, thân chuông, hay miệng chuông và bố cục trang trí với việc phân chia ô hộc và bố cục theo hình tròn, cấu trúc tổng thể trong việc bố trí các hoa văn trang trí được đóng khung trong các dạng ô hộc và trải dài theo dạng dải theo đường ngang và dạng ôm theo hình trụ ống… , có thể nhận xét rằng, chuông Ngọ Môn là tinh hoa điển hình cho nghệ thuật đúc và chạm khắc trên chuông đồng thời Nguyễn.
Trấn phong (phù điêu) đá thời Minh Mạng
Được tạo tác năm 1829, chất liệu bằng đá cẩm thạch đỏ, kích thước (m) phù điêu: Đường kính: 52cm, Chiều dày: 3cm; Chân đế: Dài 35,5cm, Rộng:13cm, Cao: 28,5cm. Phù điêu có 2 phần: phù điêu và chân đế. Phù điêu: được tạo hình từ phiến đá cẩm thạch màu đỏ chu, hình tròn. Bên ngoài là khung tròn bằng gỗ được tạo thành từ 6 mảnh gỗ hình vòng cung có kích thước tương đương, gắn kết với nhau tạo thành đường tròn liền mạch bao quanh phiến đá. Mặt trước phù điêu là bức tranh phong cảnh với đầy đủ các chi tiết của trời – đất – non – nước – cây cối – lầu các – thuyền bè- nhân vật … theo chủ đề “sơn thuỷ tùng đình” (núi, nước, cây tùng, mái đình) với thủ pháp: “thấu thị phi điểu”. Hình ảnh và chi tiết trong tranh được miêu tả từ gần đến xa theo tỷ lệ tương đối bằng nhau và như chồng lên nhau theo hàng dọc hoặc cách nhau bằng nhiều tầng lớp. Bố cục không gian tạo hình theo lối này đã thể hiện không gian bao la, hùng vĩ. Đặc biệt, các nghệ nhân sử dụng sự khác biệt về màu sắc, độ nhám… của các thớ đá (đỏ, trắng ngà,…) để thể hiện đường nét và hình khối của các hình tượng (ngọn núi, sóng, các mỏm đá nhấp nhô…). Các chi tiết chính của bức phù điêu như các nhân vật, công trình kiến trúc, cây cối, thuyền bè được thể hiện trên thớ đá màu trắng ngà. Trên phần nền thớ đá đỏ là bài “Ngự chế” của hoàng đế Minh Mạng với nội dung mô tả vẻ đẹp của bức tranh, được khắc giữa khoảng không gian trời và nước. Chân đế: được chế tác từ khối gỗ mun, trang trí chủ đạo với các hình tượng rồng, mây; phía dưới cùng của 2 mặt chân đế trang trí đề tài “Thủy ba” (sóng nước).
Cặp tượng Rồng thời Thiệu Trị
Cặp tượng Rồng thời Thiệu Trị
Đây là một đôi tường rồng, đúc bằng đồng năm 1842, thời Thiệu Trị, hình dáng giống nhau nhưng được tạo ra theo tư thế đối xứng. Mỗi tượng rồng đều gồm 2 phần: tượng rồng và đế hình khối vuông; chiều cao tổng thể là 164cm.
Trọng lượng: Hiện vật có số đăng ký TH.52/Đg.24 có trọng lượng đồng là 905 cân 12 lạng [tương đương 547, 823 kg]. Hiện vật có số đăng ký TH.53/Đg.25 có trọng lượng đồng là 916 cân 12 lạng [tương đương 554,472kg].
Hiện vật TH.52/Đg.24 có đặc điểm: Dáng rồng được tạo tác trong tư thế ngồi; chân khuỳnh uy nghi, đường bệ. Toàn bộ thân rồng cuộn (quấn) đặt trên phạm vi đế. Đầu rồng có 2 sừng; phần đỉnh đầu bằng phẳng, mõm ngắn, mũi to, miệng há, phần mép miệng được thể hiện bởi 3 đường gờ bao quanh, có 2 răng nanh ở 2 bên mép. Hàm dưới có 6 răng, hàm trên có 4 răng. Nét mặt hiền lành nhưng đạo mạo, uy nghiêm. Chân rồng 5 móng. Hai chân trước (1 chân khuỳnh, 1 chân hơi nghiêng); 2 chân sau (1 chân được phô ra bên ngoài, một chân được thu gọn vào dưới thân) thể hiện với tư thế ngồi đường bệ. Các ngón chân được diễn tả ở tư thế cong xuống, bám vào các hoa văn hoạ tiết mây tạo nên sự sinh động cho linh vật. Đế: Phần thân đế có hình khối vuông, kích thước mỗi cạnh 55 cm. Mặt bên trái của thân đế (xác định theo hướng của tượng rồng) có khắc lạc khoản: “Thiệu Trị nhị niên cát nguyệt nhật tạo” (Làm vào ngày lành tháng tốt, năm Thiệu Trị thứ 2 [1842]) và dòng chữ Hán: “Đồng cộng trọng cửu bách ngũ cân thập nhị lạng”.
Hiện vật TH.53/Đg.25 về cơ bản, hiện vật TH.53/Đg.25 được chế tác trong tư thế, kiểu thức, hình dáng, các chi tiết và bộ phận (đầu, thân, bụng, mình, chân) giống với hiện vật TH.52/Đg.24, tuy nhiên có một số điểm khác biệt thể hiện rõ dưới đây: Vị trí khắc minh văn (ở phần đế) và nội dung (phần trọng lượng): Minh văn được khắc ở mặt sau phần thân của đế với dòng lạc khoản: “Thiệu Trị nhị niên cát nguyệt nhật tạo” (Làm vào ngày lành tháng tốt, năm Thiệu Trị thứ 2, 1842). Nội dung dòng chữ Hán: “Đồng cộng trọng cửu bách thập lục cân thập nhị lạng”.
Tượng rồng là đỉnh cao của sự tích hợp, mô phỏng hình dáng các chiếc “kim ấn bảo tỉ” được đúc dưới các triều từ Minh Mạng đến Thiệu Trị với kiểu thức “… hình con rồng quấn”. Đây có thể xem là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng và trình độ tạo dáng trong thẩm mỹ của nghệ nhân điêu khắc dưới thời Nguyễn.
Ngai hoàng đế Duy Tân
Tổng thể ngai: Cao: 94,3 cm; Dài: 50,5 cm; Rộng: 62,2cm. Phần mặt ngai: 50,5 cm x 58,2 cm x 2,8cm. Trọng lượng: 17.500 gr. Chất liệu: Gỗ dổi, sơn son thếp vàng.
Ngai gồm có 3 phần: phần trên (đỉnh ngai), phần giữa và phần dưới; các hoa văn, hoạ tiết trang trí trên ngai đều được bố cục theo thể thức đăng đối với nhau qua trục giữa của ngai.
Ngai hoàng đế Duy Tân là hiện vật gốc độc bản. Hoàng đế Duy Tân lên ngôi ngày 28 tháng 7 năm Đinh Tỵ (05/9/1907), là hoàng đế thứ 11 của triều Nguyễn (1802 – 1945) khi ông mới 7 tuổi. Để phù hợp với vóc dáng của hoàng đế, triều đình đã cho đặc chế chiếc ngai với kích thước nhỏ dùng trong lễ đăng quang của nhà vua. So sánh về kích thước với “Ngai hoàng đế triều Nguyễn tại điện Thái Hoà” (hiện vật được công nhận Bảo vật Quốc gia vào năm 2015) thì “Ngai hoàng đế Duy Tân” nhỏ hơn. Có thể khẳng định rằng, với bối cảnh lịch sử cũng như nguồn gốc xuất xứ và đặc điểm mô tả như bên trên thì ngai hoàng đế Duy Tân đang được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là hiện vật gốc độc bản. Ngai hoàng đế Duy Tân là hiện vật biểu trưng đầy đủ tính vương quyền của chế độ quân chủ đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình – điêu khắc có giá trị lịch sử, văn hoá và mỹ thuật đặc sắc.
Theo Luật di sản văn hóa (2001), thì “Bảo vật quốc gia” là những hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học (4). Điều 21 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa (2009) định nghĩa Bảo vật quốc gia phải có các tiêu chí sau đây: 1, Là hiện vật gốc độc bản; 2, Là hiện vật có hình thức độc đáo; 3, Là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên (5).
Luật di sản văn hóa ghi rõ: Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Việc công nhận danh hiệu Bảo vật quốc gia phải do chính Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
Từ năm 2012 đến cuối năm 2024, trong 12 năm, Thủ tướng Chính phủ đã 13 lần ra quyết định công nhận Bảo vật quốc gia và tổng cộng đã có 327 hiện vật/nhóm hiện vật được vinh danh trong danh sách này. Nếu so sánh với cả nước, Thừa Thiên Huế mới chỉ có 14/327 hiện vật/nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia (tổng cộng là 41 hiện vật), tức số lượng còn khá khiêm tốn, chưa phản ánh đúng giá trị, tầm vóc và sự phong phú của kho tàng di sản cổ vật tại cố đô. Tuy vậy, các bảo vật quốc gia đã được công nhận của Thừa Thiên Huế đều rất tiêu biểu, có giá trị đặc biệt về nhiều mặt. Vì vậy, việc giữ gìn, tôn vinh, phát huy giá trị của các bảo vật này sẽ có ý nghĩa rất lớn không chỉ về mặt văn hóa, lịch sử mà còn có giá trị thiết thực cho việc phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ của Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện tại và về lâu dài, nhất là khi Huế đã chính thức trở thành Thành phố trực thuộc trung ương và được định hướng xây dựng theo mô hình một đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam./.
TS.Phan Thanh Hải/Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia.
Tác giả bài viết: Phan Thanh Hải
Nguồn tin: tapchidongnama.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn
Nguyên Phó Trưởng ban phát triển doanh nghiệp CLB Doanh nhân Khánh Hòa Sài Gòn. Nguyên Phó Trưởng Khoa Nhật Bản học Trưởng phòng HTQT và phát triển Dự án quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Cố vấn...