NGUYỄN THỊ SEN - TỔ NGHỀ MAY VIỆT NAM

Thứ năm - 11/07/2024 18:22
Ngày hôm nay của bạn như thế nào? Ngày hôm nay của mình rất thú vị vì mình biết thêm rất nhiều điều mới. Bạn có biết cô gái nào trở thành hoàng hậu nhờ tài may vá khéo léo của mình không?
Cô gái đó chính là Nguyễn Thị Sen, tứ phi của Vua Đinh Tiên Hoàng đến từ làng Trạch Xá. Bà được phong làm tổ của ngành may Việt Nam. Bạn có bao giờ tìm hiểu xem tổ của các ngành khác tại Việt Nam là ai không?
Tượng thờ Thánh Tổ tại đền thờ Tổ - làng Trạch Xá, Hòa Lâm, Ứng Hòa, Hà Nội.
Tượng thờ Thánh Tổ tại đền thờ Tổ - làng Trạch Xá, Hòa Lâm, Ứng Hòa, Hà Nội.

Theo thần tích đền thờ tổ nghề may ở làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) thì bà Nguyễn Thị Sen là một người con gái xinh đẹp, đảm đang của làng Trạch Xá. Ngay từ nhỏ Nguyễn Thị Sen đã nổi tiếng chăm chỉ, khéo tay hay làm, ngoài chuyện cửa nhà cô còn ra đồng phụ giúp việc đồng áng, hái dâu nuôi tằm, quay tơ dệt vải. Tại Trạch Xá, Nguyễn Thị Sen đã tập hợp một số người giỏi may vá lại cùng học hỏi tay nghề lẫn nhau, may trang phục áo quần để bán cho dân chúng trong vùng. Đến tuổi cập kê, sắc đẹp và tài thêu thùa may vá của Nguyễn Thị Sen đã nổi khắp cả một vùng, nhiều người đánh tiếng, mai mối muốn hỏi cưới cô về làm người vợ hiền, dâu đảm.

Chuyện kể rằng khoảng đầu niên hiệu Thái Bình (970-979), Vua Đinh Tiên Hoàng đi ngang đất Trạch Xá của xứ Sơn Tây, nhà vua rất ngạc nhiên khi thấy người dân ở đây áo quần trang nhã, đẹp đẽ mới truyền dừng kiệu lại hỏi han thì được biết về Nguyễn Thị Sen và những người thợ tài hoa. Mến phục cô gái vừa xinh đẹp hiền thục, vừa khéo léo, lại thạo nghề may vá, Vua đã làm lễ hỏi cưới rồi rước dâu về Hoa Lư. Cô thợ may khéo léo Nguyễn Thị Sen trở thành Hoàng Phi thứ tư nên mọi người thường gọi nàng là Tứ phi. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Vua Đinh Tiên Hoàng (924 -979) lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông, trong đó tứ phi Hoàng Hậu Cồ Quốc chính là Thánh tổ nghề may Nguyễn Thị Sen.

Thực ra ban đầu khi mới trở thành vợ vua, với thân phận cao quý Tứ phi được kẻ hầu người hạ, không phải làm bất cứ công việc nặng nhọc nào, thế nhưng điều đó làm Nguyễn Thị Sen cảm thấy buồn chán, nàng thường lẻn vào khu thành Nội xem các cung nữ làm áo, thêu thùa.

Vốn thạo nghề kim chỉ, cùng với sự khéo léo và sáng tạo, Tứ phi đã giúp họ phát triển để làm ra những sản phẩm mũ áo, trang phục đa dạng, đẹp đẽ được hoàng thân, quốc thích, hậu phi, công chúa, hoàng tử rất thích; vua Đinh Tiên Hoàng biết chuyện mới giao cho Nguyễn Thị Sen truyền dạy nghề may cho cung nữ trong hoàng cung.

Sống trong nhung lụa nhưng lại gắn bó với công việc như ở chốn dân gian được 10 năm, Tứ phi Nguyễn Thị Sen chỉ sinh được cho Đinh Tiên Hoàng được một nàng công chúa.

Đến mùa đông, tháng 10 năm Mậu Dần (978) Đinh Tiên Hoàng và con trai cả là Nam Việt vương Đinh Liễn bị ám sát, sử chép rằng:

“Trước đây, Đỗ Thích làm Đồng Quan lại, đêm nằm ở trên cầu, chợt thấy sao sa vào mồm, cho là điềm tốt mới manh tâm giết vua. Đến đây, nhân vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm ở trong sân, Thích bèn giết, lại giết cả Nam Việt vương Liễn” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Sau khi Đinh Tiên Hoàng bị hại, Tứ phi Nguyễn Thị Sen cảm thấy buồn bã, muốn xa rời chốn lầu vàng điện ngọc mà đầy rẫy tranh chấp, thị phi, bà đã dâng sớ lên triều đình xin được từ giã hoàng cung cùng với con gái trở về quê hương sinh sống. Bà đem nghề may truyền dạy nghề cho nhân dân trong làng, khuyến khích họ chăm việc tằm tang, lại dạy cả nghề quay tơ, dệt vải; thế rồi người nọ học người kia, cha truyền con nối, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau, nghề may gắn bó với người Trạch Xá và trở thành nghề truyền thống của làng:

Tri ân công đức của Nguyễn Thị Sen, dân làng đã tôn bà là Thánh sư và khi bà mất họ đã lập đền thờ phụng, bốn mùa khói hương.

Hàng năm vào giỗ kỵ của bà ngày 12 tháng Chạp âm lịch, dân làng Trạch Xá lại tổ chức lễ tế tổ, mở hội thi may áo khéo, thi dệt lụa…để nhắc nhở mọi người nhớ đến bà Tổ nghề của làng.Tại nhiều nơi khác nhau trên mọi miền đất nước, cũng vào ngày đó, các làng nghề, phường nghề, hội nghề may cũng làm lễ giỗ Tổ nghề.

Chúng mình thử đến thăm làng Trạch Xá nhé! 


Trên đây là câu chuyện rất thú vị về một cô gái con nhà thường dân, nhờ tài may vá mà trở thành Hoàng hậu rồi trở thành tổ ngành may Việt Nam, còn rất nhiều các câu chuyện thú vị khác ở gần nơi bạn đang ở mà có thể bình thường bạn không có để ý đến. Vậy bạn hãy thử tìm hiểu xem Việt Nam có bao nhiêu ngành nghề, người đứng đầu các ngành nghề đó là ai nhé! Chắc chắn các bạn sẽ tìm hiểu được rất nhiều các câu chuyện thú vị nữa đấy!
 

Tác giả bài viết: Nhiều tác giả

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Nguyễn Thu Hương

Nguyên Phó Trưởng ban phát triển doanh nghiệp CLB Doanh nhân Khánh Hòa Sài Gòn.  Nguyên Phó Trưởng Khoa Nhật Bản học Trưởng phòng HTQT và phát triển Dự án quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Cố vấn...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây