TÌNH YÊU TRONG RỪNG MƯA

Thứ tư - 22/05/2024 07:56
Biết đến làng Design Thinking bắt đầu từ lời mời tham gia buổi ra mắt Dự án rừng mưa rồi làm Ban giám khảo rồi sau đó là Ban huấn luyện cho các đội thi từ chị Trưởng làng Dương Tường Nhi. 
TÌNH YÊU TRONG RỪNG MƯA

Để rồi từ đó từng mảng màu sáng tối trong khu rừng dần dần hiện ra. Hàng loạt các hoạt động liên tục của làng Design Thinking với bao nhiêu tinh hoa, trí tuệ, hỗ trợ nhiệt thành của địa phương, chính quyền v.v. trên cả không gian online và offline. Tất cả những điều ấy thật mới mẻ, khác với hiểu biết thông thường và chắc chắn sẽ không thể nào thực hiện được nếu thiếu đi tình yêu thương và vượt lên trên tất cả mọi ranh giới của vùng miền, lĩnh vực, quan điểm, tôn giáo. 

Làm sao những hạt mầm khởi nghiệp, những doanh nhân non nớt có thể trở thành những công ty lớn mạnh mang tầm vóc toàn cầu được nếu ngay từ những tháng ngày gian khó đầu tiên ấy thiếu đi một mảnh đất màu mỡ để ươm trồng. Quyển sách Rừng Mưa cho biết cách người Mỹ đã xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của họ như thế nào và đây không phải là một quyển sách dễ đọc với nhiều người. Làm sao đưa được tư duy ấy, cách làm ấy, cách thức ấy đến cho mọi người? Làm sao Việt Nam có một môi trường thuận lợi để thật nhiều những thương hiệu thành công ghi dấu trên bản đồ thế giới là lý do đầu tiên đưa tôi đến với dự án và hoạt động của Làng. Và rồi tôi nhận ra, lý do vì sao tại Mỹ có nhiều công ty khởi nghiệp thành công trên toàn cầu với xuất phát điểm rất thấp, chỉ là ý tưởng của hai cậu sinh viên hay ban đầu chỉ là một văn phòng trong garage xe hơi. Lịch sử phát triển của đất nước này không dài, tuy nhiên tầm vóc và độ lan tỏa của họ thì không thể phủ nhận, điều đó bắt đầu từ tư duy, nghĩ lớn, làm khác và những môi trường thuận lợi để cho một doanh nhân khởi nghiệp nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ môi trường xung quanh. Đó là một hệ sinh thái cho phép cậu sinh viên trẻ khởi nghiệp có thể tự tin nói chuyện với một doanh nhân thành đạt, nhận sự hỗ trợ từ những nhà chuyên môn, luật sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nguồn vốn từ các quỹ đầu tư v.v. và họ có môi trường để dám nói lên, chia sẻ giấc mơ lớn của cuộc đời mình. Đó cũng chính là hành trình mà dự án rừng mưa đã và đang đi. 

Điều này chỉ thực hiện được nếu những người đồng hành có tình yêu đủ lớn, để bổ khuyết những điểm yếu, phát huy những điểm mạnh của đối phương, sẵn sàng chia sẻ nguồn lực, cống hiến, cho đi vì cộng đồng vượt qua những giới hạn thông thường của chủ nghĩa cá nhân, địa phương cục bộ, vượt qua sự khác biệt để cùng nhau hỗ trợ, xây dựng những công ty mạnh từ gốc và có sức để phát triển trên toàn cầu. Điều này chắc chắn khó có thể thực hiện được với nguồn lực hạn chế từ một cá nhân, từ một trường, viện hay địa phương riêng lẻ mà cần rất nhiều nguồn lực từ nhiều nơi, không chỉ trong nước mà còn từ nước ngoài. Những công ty khởi nghiệp non nớt rất cần một cánh tay đưa ra khi họ cần, rất cần những lời khuyên từ những thất bại của người đi trước, những hướng dẫn về công nghệ, kỹ thuật mới nhất hay cách bảo vệ quyền lợi của mình trong một thế giới biến động đầy phức tạp. 

Dự án rừng mưa đã và đang dần hiện thực hóa được bức tranh ấy. Bắt đầu từ việc chấp nhận những nền văn hóa khác biệt với mình, lắng nghe xem họ đã làm điều đó như thế nào, bỏ qua những quan điểm chưa đồng thuận và khác biệt để hiểu được mô hình họ đã làm tại Mỹ và trên thế giới. Từ đó xây dựng một hệ sinh thái phù hợp nhất với môi trường Việt Nam, xây dựng tinh thần hợp tác, chia sẻ, biết suy nghĩ về người khác, cho đi mà không kỳ vọng được báo đáp, nghĩ về cái chung, nghĩ về quốc gia dân tộc và tương lai của nhiều thế hệ tiếp nối v.v. 

Đó là tình yêu vượt lên trên mọi giới hạn thông thường, tình yêu dựa trên sự thấu hiểu nỗi đau của những người nông dân vất vả cực nhọc nhiều năm tháng nhưng vẫn đói nghèo, dựa trên sự thấu hiểu của những doanh nhân trẻ khởi nghiệp đang vất vả hàng ngày tìm lối ra hay chật vật để tồn tại, thấu hiểu nguyên nhân vì sao chúng ta đã tụt hậu so với thế giới hàng chục năm qua. Chúng ta đều có đủ tình yêu thương để nắm tay nhau và giúp cho cuộc sống của mỗi người được hạnh phúc hơn, đủ đầy hơn, giúp thay đổi cuộc sống của nhiều bên có liên quan, của cộng đồng xung quanh và cuộc sống của nhiều thế hệ tương lai nữa.

THU HUONG 1 1

Mọi việc đều bắt đầu từ tình yêu thương, sự thấu hiểu và trí tuệ bởi lẽ suy cho cùng, mục đích cuối cùng của cuộc đời là mang lại hạnh phúc cho bản thân, cho những người xung quanh và cộng đồng xã hội. 

Rất nhiều tri thức, kinh nghiệm, bài học của thế giới và Việt Nam cần được lan tỏa đến nhiều người, giúp cho hệ sinh thái tinh hoa hội tụ được hình thành nhanh hơn nữa mà dự án Giọng đọc Rừng Mưa là một khởi đầu. 

Hãy trải nghiệm và là người tiếp theo cùng bắt tay xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo trên cơ sở của yêu thương và trí tuệ. Chúng tôi chờ bạn ở đây: https://www.youtube.com/@DiamondInnovationForest135

Nguyễn Thu Hương, Khoa Văn hóa học, Đại Học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh

Đồng Trưởng Làng Design Thinking 

Tác giả bài viết: Th.s Nguyễn Thu Hương

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://nguyenthuhuong.net hoặc chưa được sự đồng ý bằng bởi chủ sở hữu là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Giới thiệu về Nguyễn Thu Hương

Nguyên Phó Trưởng ban phát triển doanh nghiệp CLB Doanh nhân Khánh Hòa Sài Gòn.  Nguyên Phó Trưởng Khoa Nhật Bản học Trưởng phòng HTQT và phát triển Dự án quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế ĐH KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh. Cố vấn...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây